Hotline: 0989.989.989    |   Liên hệ        
| 03/02/2014, 12:21 am |

8 món ăn may mắn đầu xuân




Salad Xuân Như Ý, Osechi, lẩu tôm hùm là những món ăn khai xuân đầy may mắn, theo quan niệm của mỗi dân tộc.

1. Salad Xuân Như Ý, Trung Quốc

Yu sheng - salad Xuân Như Ý là món gỏi thường được làm từ cá sống thái lát, rau củ nạo, vừng bột, nước sốt mận… Trong tiếng Hoa, cá sống mang ý nghĩa cuộc sống thịnh vượng, từng nguyên liệu của món gỏi cá cũng tượng trưng cho mong ước có được sự sung túc, may mắn, thành công trong năm mới.

Yu sheng là món ăn không thể thiếu trên bàn tiệc của người Trung Hoa vào ngày mùng 7 Tết. Người ta thường tung món gỏi cá lên cao và nguyện ước những điều may mắn cho năm mới, với quan niệm rằng tung càng cao thì càng gặp nhiều may mắn.


2. Osechi, Nhật

Thông thường có khoảng 9 món ăn trong một hộp Osechi, được bài trí và chế biến rất cầu kỳ, có sự kết hợp hài hòa giữa màu sắc và hương vị. Mỗi món thể hiện một ý nghĩa riêng. Món trứng cá trích (Kazunoko) tượng trưng cho lời chúc con đàn cháu đống. Đậu nành Kuro-mame tượng trưng cho lời chúc sức khỏe. Nấm hương được dập thành hình mai rùa thể hiện ý nghĩa trường thọ...

Một hộp Osechi có cả món trên cạn và dưới biển, món nhiều đạm và thanh đạm, món nướng và luộc.

anh-2.jpg
Những màu sắc của món ăn tượng trưng cho nhiều ý nghĩa, nhiều may mắn và hạnh phúc trong năm mới. Ảnh: Nikko

3. Lẩu tôm hùm, Singapore

Đối với người Singapore, tôm hùm vừa là một món ăn quyến rũ bởi hàm lượng dinh dưỡng vừa mang hàm ý tốt lành mà món ăn đem tới trong năm mới. Ngoài màu đỏ của tôm hùm mang đến điềm may mắn, sức khỏe và hạnh phúc, ông hoàng của biển cả này còn được ví như rồng, biểu tượng của sức mạnh và thịnh vượng. Trong khi đó, rau xanh biểu tượng cho những lời chúc sức khỏe và mì chỉ sự trường thọ.

Nước dùng đậm đà, thơm ngon, nhúng thêm nguyên liệu tươi ngon, gia đình và bạn bè có thể thưởng thức hương vị ấm áp của lễ hội mùa xuân, cùng chúc nhau những điều may mắn trong năm mới.

anh-3.jpg
Đây là món ăn may mắn không thể thiếu trong mỗi dịp Tết của người Singapore. Ảnh: Fortuna.

4. Phi lê cá hồng xốt sambal, Hongkong

Cá hồng đại dương và trứng là hai trong số những thành phần chính của món ăn này.  Trong cách phát âm, tiếng “Yu" (có nghĩa là cá) có phát âm giống ngữ điệu trong từ có nghĩa là dư dả. Vào đêm giao thừa, người dân thường sử dụng món cá tượng trưng cho mong muốn sung túc, đủ đầy đến với gia đình mình trong năm mới.

Đúng như tên gọi của nó, phi lê cá hồng tươi được bao phủ bởi một lớp bột chiên giòn, tẩm ướt khéo léo với gia vị sả cải xoăn và xốt sambal dùng kèm với lòng đỏ trứng muối. Cách tốt nhất để thưởng thức món ăn tuyệt vời này là ăn kèm với cơm nếp trắng dẻo đặc trưng của Thái Lan.

anh-4.jpg
Đây là sự kết hợp tinh tế của hai phong cách ẩm thực của châu Á, HongKong và Thái Lan. Ảnh: Daewoo

5. Canh Tteokguk, Hàn Quốc

Mỗi người Hàn Quốc đều ăn một bát canh Tteokguk (gồm bánh Tteok làm từ bột gạo, nước xương bò hầm, thịt bò, hành hoa) để cầu mong một năm mới sức khỏe và trường thọ. Hình bầu dục và màu trắng của bánh Tteok còn tượng trưng cho sự trọn vẹn và thanh khiết của vạn vật trên thế gian vào ngày đầu tiên của năm mới. Ngoài ra, trong ngày Tết, trên mâm cỗ của người dân xứ Hàn không thể thiếu rượu balki sool.

anh-5.jpg
Mỗi người dân xứ Hàn đều ăn kèm canh Tteokguk và rượu balki sool để cầu may trong năm mới. Ảnh: themeltingpot.com.au

6. Lạp, món ăn may mắn không thể thiếu của người Lào

Lạp là món ăn truyền thống gần gũi nhất, không thể thiếu trong ngày Tết và lễ hội của người Lào. Theo tiếng Lào, lạp có nghĩa là may mắn, phúc lộc dồi dào. Lạp có thể làm bằng thịt lợn, gà, bò, chim, cá... Lạp thịt lợn gồm thịt nạc, gan, tim băm nhỏ trộn chung với các loại rau thơm, ớt cay thái nhỏ, gia vị truyền thống, nước cất chanh và không thể thiếu thính nếp rang.

anh-6.jpg
Người Lào thường dùng lạp với xôi hoặc cơm nóng. Ảnh: wiki

7. Bánh chưng, món ăn may mắn của người Việt Nam

Với mọi gia đình người Việt, ngày Tết sẽ không thể trọn vẹn nếu thiếu bánh chưng hoặc bánh tét. Được làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt heo, gia vị gói trong lá dong, thứ bánh rất giản dị, đặc trưng cho một quốc gia nông nghiệp này mang theo thông điệp tạ ơn trời đất đã ban cho mùa màng tốt tươi, đồng thời thể hiện sự biết ơn, kính trọng với cha mẹ.

anh-7.jpg
Món ăn quá quen thuộc với người dân Việt Nam mỗi dịp Tết đến xuân về. Ảnh: danviet

8. Nộm ngũ sắc của người Việt

Người ta có thể nhìn thấy món ăn này màu trắng trong thanh khiết của su hào bào, màu trắng hồng nhạt của giò lụa thái chỉ - biểu trưng cho sự hoàn mỹ. Màu đỏ của cà rốt và ớt - biểu tượng của nhiệt huyết, sức mạnh và tình yêu. Màu vàng rộm của trứng tráng thái chỉ - màu của ánh nắng mặt trời ấm áp, gắn liền với cảm giác về hạnh phúc. Màu xanh của thiên nhiên bừng lên trong từng lá rau thơm, tượng trưng cho sự phát triển hoà thuận, tươi mát và màu mỡ. Cuối cùng là một vòng tròn nâu của lạc vừng rang thơm nức, tượng trưng cho sự bền vững và chắc chắn.

Tất cả mong ước về một năm mới hoàn thiện hoàn mỹ, sự ấm cúng, hạnh phúc đã được hội đủ trong món ăn rất giản dị mà ý nghĩa này. Ảnh: Sofitel Metropole
anh-8.jpg

Theo Tintuconline.vn


[ << Quay lại ]
Gửi bình luận của bạn
Họ tên:
Email:
Nhập mã xác nhận:
 
 
 Ảnh được xem nhiều nhất trong tháng
© Copyright 2020 Phulongland.com, All right reserved
® Organize Vietnam Media & Trade Event
© Ghi rõ nguồn "Phulongland.com" khi phát hành lại thông tin từ website này.
® Cơ quan chủ quản: Tổ chức Sự kiện Truyền thông & Thương mại Việt Nam