Phần thứ nhất – “Ti nhược”
Ban Chiêu dẫn hướng người phụ nữ phải lấy nhu nhược làm điều mỹ lệ, lấy nhu thuận khiêm nhường làm đức hạnh. Ti nhược là gì? Trong “Nữ giới”, bà viết: “Khiêm nhường cung kính, trước người sau mình. Làm điều thiện không cầu lưu danh, làm điều sai trái không chối bỏ. Nhẫn nhục chịu đựng, luôn tỏ ra sợ hãi, chính là ti nhược vậy.”
Từ nhu nhược nghĩa gốc không phải là thấp kém hèn mọn, mà là mềm yếu khiêm tốn. Điều này là nhất trí cùng với “khiêm cung” của bậc quân tử. Người phụ nữ cần có đức khiêm tốn nhẫn nhượng, đối với hết thảy mọi người, sự việc, đồ vật đều chân thành cung kính. Điều tốt trước tiên dành cho người khác, bản thân mình có thể khiêm nhường lùi bước ở sau. Làm việc thiện không khoa trương, làm việc sai không thoái thác trách nhiệm.
Ngoài ra, còn phải biết nhẫn nhục gánh vác trách nhiệm, thường phải xét xem bản thân đã làm đủ tốt hay chưa. Đây chính là sự “khiêm ti nhu nhược” của nữ tử. Kiêu căng chuốc lấy tổn hại, khiêm tốn hưởng được lợi ích, giống như nước hướng về phía dòng chảy thấp mà lưu chuyển. Một người khiêm tốn, ước thúc nội tâm, cung kính, nhu thuận, thì dù ở hoàn cảnh nào cũng tự nhiên sẽ nhận được sự hoan nghênh của mọi người. Vì vậy, có thể nói “ti nhược” là đạo xử thế căn bản nhất của người phụ nữ.
Phần thứ hai – “Phu phụ”
Người xưa từng nói: “Đạo của vợ chồng, tham chiếu theo nguyên lý âm dương, thông suốt theo chỉ dẫn của thần minh, tin theo đạo nghĩa vĩnh hằng của thiên địa, cũng chính là đại tiết của nhân thường luân lý vậy.”
Ở đây có thể giải thích rằng, đạo lý vợ chồng là căn cứ theo nguyên lý âm dương hòa hợp, vốn mang theo luân lý của đất trời, đã tạo nên quan hệ xã hội cơ bản nhất của nhân loại, là điều quan trọng nhất của nhân luân.
Trong hôn nhân, người vợ đã nguyện ý trao lại cả cuộc đời của mình cho người chồng, còn người chồng phải gánh vác trên vai trách nhiệm đối với người vợ. Người chồng nếu không có đức hạnh, thì không có cách nào dẫn dắt người vợ; người vợ nếu không có hiền đức, thì không cách nào phụ giúp người chồng. Người chồng không dẫn dắt được cho vợ, thì mất đi uy nghiêm. Người vợ không giúp đỡ được cho chồng, thì mất đi đạo nghĩa.
Ở đây Ban Chiêu chỉ rõ rằng, đạo “cung kính nhu thuận” là lễ nghĩa đứng đầu của người phụ nữ. Cung kính không đòi hỏi điều gì khác, chỉ cần kiên trì bền bỉ; nhu thuận không đòi hỏi điều gì khác, chỉ cần khoan dung nhẫn nại. Người trường kỳ gìn giữ sự cung kính sẽ biết có chừng mực, khoan dung với người khác, đã thiện lại cung kính.
Cổ nhân nói đạo kính thuận, là cái “lễ” của người vợ. Tất nhiên, người chồng cũng cần phải có sự “cung kính” và “hòa thuận”. Nhưng sự cung kính của người chồng được gọi là trì cửu; sự hòa thuận người chồng được gọi là khoan dụ. Làm chồng trong vợ chồng, lấy nghĩa mà hòa thân, lấy ân mà hảo hợp.
Giữa vợ chồng với nhau lấy ân nghĩa mà đối đãi, lấy cương nhu hỗ trợ nhau, âm dương tương hợp, “tương kính như tân” (mãi mãi kính trọng nhau như khi mới cưới), làm được đến điểm này, mới có thể thực sự đắc được hạnh phúc mỹ mãn.
Phần thứ tư – “Phụ hành”
Trong phần “Phụ hành” viết: “Người phụ nữ có tứ hành, gọi là phụ đức, phụ ngôn, phụ dung, phụ công. Đây là đại đức không thể thiếu của người phụ nữ, cũng chính là tứ đức trong tam tòng tứ đức.”
Ban Chiêu cho rằng, người phụ nữ không cần phải tài hoa tuyệt thế, khi nhàn rỗi thường luôn tĩnh lặng, giữ lễ tiết chính trực, hành xử khuôn phép biết xấu hổ, động tĩnh luôn có pháp tắc, chính là phụ đức. Phụ ngôn chính là không cần phải biện luận ngôn từ sắc xảo, nhưng cần lựa chọn ngôn từ mà nói, không nói những lời ác xấu, trái với đạo đức, biết tùy thời điểm mà nên nói những lời nào, đồng thời cũng không dối trá thị phi.
Phụ dung không cần thiết phải có nhan sắc mỹ lệ, mà biết giặt sạch bụi bẩn, phục sức tinh tươm, tắm gội sạch sẽ, thân không nhơ nhuốc. Phụ công không cần thiết phải có kỹ xảo hơn người, chỉ cần chuyên tâm thêu thùa may vá, không gây mâu thuẫn hay đùa cợt quá phận, biết chuẩn bị đồ ăn thức uống đầy đủ, thiết đãi khách đến nhà.
Phần thứ năm – “Chuyên tâm”
“Chuyên tâm” chỉ một đạo lý thủy chung không thay đổi đối với người phụ nữ: Người chồng là chỗ dựa của người vợ. Vợ chồng vĩnh viễn thủy chung không xa rời, chính là đạo lý này.
Bên cạnh đó, chuyên tâm còn bao gồm cả sự chuyên tâm chính sắc. Ở đây hàm ý là phải thủ lễ thủ nghĩa, thuần tịnh thuần thiện, những gì không phù hợp lễ tiết tuyệt đối không nghe, mắt chỉ nhìn điều đoan chính, không nhìn ngang liếc dọc, đi ra ngoài không ăn mặc diêm dúa lẳng lơ, ở nhà cũng không thể mặc quá tùy tiện. Không kết giao cùng với người không đoan chính, không phẩm hạnh, không trầm mê vào thế giới phồn hoa.
Phần thứ sáu – “Khúc tòng”
Ban Chiêu giảng dạy đạo giữa mẹ chồng và con dâu, nói rằng: Phu thê tuy rằng ân ái, nhưng nếu như con dâu không được cha mẹ chồng thừa nhận, gia đình đó cũng không thể nào thực sự hòa thuận vui vẻ, vậy phải làm sao để có được sự thành tâm yêu thương của cha mẹ chồng? Chính là cần làm được “Khúc tòng”.
Khi đáp lại lời cha mẹ chồng, cần lễ phép vâng lời, cho dù nói không đúng cũng phải tuân theo. Không nên tranh cãi thị phi rạch ròi, đây chính là “khúc tòng”. Kỳ thực đây cũng là một loại phẩm chất thuộc về cung kính nhu thuận, là đức hạnh tôn kính trưởng bối, cũng là đức tính nhẫn nhục. Thị phi tự có công luận, còn nhẫn được dù chỉ một thời khắc cũng sẽ thấy đất trời rộng mở.
Phần thứ bảy – “Thúc muội”
Bảy thiên này trong Nữ giới của Ban Chiêu, ngôn từ khẩn thiết, dụng tâm lương khổ. Thông qua đó, bà muốn lưu lại cho hậu thế một bộ hành xử quy phạm nữ đức, nếu như người phụ nữ nào cũng làm theo được như vậy thì mỗi một gia đình sẽ đều ổn định, dân tộc có thể sinh sinh bất tức, văn hóa truyền thống sẽ được lưu truyền trường tồn.
Tại sao một nữ sử gia nổi tiếng của Trung Hoa, người đã từng nhiều lần bàn luận chính sự cùng Hi Đặng thái hậu khi Thái hậu phải chấp chính thay con nhỏ, lại vẫn muốn lưu giữ lại các giá trị văn hóa truyền thống mà người thời nay coi là lạc hậu, phong kiến? Đây âu cũng là một điều đáng để người ta suy ngẫm vậy.
An Nhiên