Hotline: 0989.989.989    |   Liên hệ        
| 22/03/2018, 04:09 pm |

Giải thoát khỏi nghiệp chướng, khổ đau.


Chúng ta dù quyết tâm chí không chấp nhận khổ, không tin có khổ, không đầu hàng khổ. Chúng ta tự lực đến đuối sức để “diệt khổ”, rồi thì cầu xin với tha lực để mong được cứu khổ nhưng khổ vẫn hoàn khổ. Chúng sinh lo âu, than ngắn thở dài, nước mắt đầy vơi, chỉ cầu mong được sống an thân nhưng rồi thì họa vẫn cứ vô đơn chí, phúc vẫn bất trùng lai.




Cho dù, Phật pháp có đơn giản, dễ dạy đến đâu nhưng khi mà nhân duyên chưa tới với những kẻ độn căn thì cho dù Bồ Tát có tái sinh, cố tâm chỉ độ pháp Phật cao siêu vi diệu cho nhân sinh còn đầy vô minh cũng chỉ tốn công vô ích, chẳng khác gì đem đàn gảy cho trâu nghe. Một trong những pháp môn đơn giản nhất của Phật pháp đó là thiền định (Zen). Zen khả dĩ có thể giúp cho hành giả giảm bớt căn thẳng tâm thần. Nếu luyện tập chuyên cần, Zen có khả năng giúp thân tâm có đủ sức mạnh lẫn nghị lực tinh thần để chuẩn bị đối phó với trở ngại xảy ra. 
 
Zen có thể giúp ta hóa giải tâm lý lúc mà đau khổ tái phát làm khổ tâm thân trong cuộc sống thay vì mong tu hành giác ngộ, giải thoát, thành Phật quá xa vời. Cũng như những pháp môn khác, Zen có mục đích giúp ta lúc “đa tâm bấn loạn trở thành bình tĩnh tỉnh mà run sợ” vì khi ta biết mình đang run rẩy và lo sợ cái quái gì đó thì mình sẽ “nhất tâm bất loạn sợ”.

Lão Tử nói rằng:
 
"Ngô sở dĩ hữu đại hoạn giả, vi ngô hữu thân;
Cập ngô vô thân, ngô hữu hà hoạn?"

Tôi tái dịch theo ngôn ngữ Phật:

"Ngộ sở dĩ có họa lớn vì ngộ vô minh chấp có thân,
Nếu ngộ vô thân, vô ngã thì họa đâu còn chỗ để sở trụ?"

Chúng ta dù quyết tâm chí không chấp nhận khổ, không tin có khổ, không đầu hàng khổ. Chúng ta tự lực đến đuối sức để “diệt khổ”, rồi thì cầu xin với tha lực để mong được cứu khổ nhưng khổ vẫn hoàn khổ. Chúng sinh lo âu, than ngắn thở dài, nước mắt đầy vơi, chỉ cầu mong được sống an thân nhưng rồi thì họa vẫn cứ vô đơn chí, phúc vẫn bất trùng lai.

Khổ không ai diệt (eliminate) được, chỉ có giảm khổ (mitigate). Ngày nào còn nhân sinh là ngày đó còn khổ vì khổ và nhân sinh tuy hai mà một.
 
Câu hỏi cho chính mình là không phải “tại sao” nhưng mà “làm sao” nhưng khi ta biết “nhậm vận thịnh suy vô bố úy” rồi thì tất cả đều không là vấn đề của ta nữa mà là công án của thân tâm. Vì khi mà “nhậm vận” và tịnh tâm rồi thì không còn có câu hỏi nữa. Mà đã không có thắc mắc, không có câu hỏi thì làm gì có câu trả lời? Đó là bí quyết của “nhậm vận vũ trụ vô thường, vô ngã úy”.
 
Đạo Đức Kinh khuyên:
Vinh hay nhục lo âu cũng rứa,
Ta lo âu vì có tấm thân.
Nhục vinh là mối bận tâm,
Lên voi xuống chó cũng ngần ấy lo.

Luôn sợ hãi là do thân thể,
Không thân này hồ dễ âu lo.
Xin đem thiên hạ hiến cho,
Ai vì thiên hạ, chẳng tơ tưởng mình.
 
Nhưng khi nhìn lại thì những cái sướng khổ đó rồi cũng qua đi theo dòng đời. Thật là phép mầu, không hiểu sao, chúng ta vẫn còn sống, vẫn ngụp lặn trôi nổi theo dòng sông thời gian. Tưởng rằng đã buông xuôi chết đuối từ lâu vậy mà chúng ta vẫn còn sống nhăn răng vì chúng ta phải sống, chúng ta quyết tâm sống còn cho đến khi thuyền ra cửa tử hải rồi mới run vãi mật, són... trong quần.

Vậy mà khi bị trôi dạt ra khỏi sông dài, thấy được trời cao biển rộng, sóng cao thì nổi chí hồ hải vùng vẫy tự do quên mất lúc vô thường trong ao tù đau khổ lúc còn sống. Rồi thì ôm bám vào cái biển bao la này tưởng là thường. 

Chấp tử là giải thoát, bịn rịn cho đến khi tái sinh, mới biết tử là đoạn. Rồi khi tái sinh lại trở lại chấp sống, than khổ là thường nhưng vẫn quyết tâm tranh sống vì cứ tưởng đường về quê còn xa lắc lê thê.

Lang thang làm kiếp phong trần mãi mãi,
Ngày cách quê hương muôn dặm đường.
(Vua Trần Thái Tông)
 



Phật giáo phân tích: Ngoài Tam khổ, còn có Bát khổ. Thực tế, nỗi khổ vô lượng vô biên, không thể đo lường được. Bát khổ gồm: Sinh, lão, bệnh, tử khổ, ái biệt ly khổ, oán tăng hội khổ, ngũ ấm xí thạnh khổ, cầu bất đắc khổ.

 
Tám cái khổ này làm hại được tâm thân của con người vì con người đầy cố chấp, đủ thứ phân biệt, đủ thứ vọng tưởng, không chịu xả bỏ là do bị nhốt trong vòng Ngũ uẩn/Ấm không giải thoát khỏi sinh tử được.
 
Ngũ Ấm (Ngũ Uẩn) tức là sắc, thọ, tưởng, hành và thức, chúng rất khó mà hàng phục. Ngũ Ấm này như lửa tam muội, thiêu đốt tâm can, thống khổ vô vàn. Nếu có pháp An Tâm, pháp An Thân thì tám cái khổ này có thể tạm kiềm chế.
 

 
"Sư già vốn có phép An thân” nhưng đa số chúng ta “không vốn để trốn thân”. Sư già an thân già nhưng không cứu được thất chúng của chính mình?
 
Đôi khi ngồi một mình nghĩ lại nước mắt tuôn dầm dề mà thương cho ôn mệ, cậu dì, chú bác, bà con, cha mẹ, các em, gia đình, lẫn thân tôi và rồi thì cũng thương cho tất cả chúng sinh sống trong bể khổ. Mong tất cả chúng sinh không còn sinh ra trên cõi đời này lần nữa. Không biết thể hiện tâm Bồ Tát mong độ tất cả chúng sinh như vậy có đồng nghĩa với nguyền rủa cho “chúng nó” chết tiệt và tuyệt chủng hết không?
 
Nhưng nếu chết hết là giải thoát khỏi luân hồi khổ đau thì bần tăng cũng ngã Phật từ bi, cam tâm xắn tăng bào, đại khai sát giới một phen.

Kết quả hình ảnh cho phật
 

Tất cả tội nghiệt, tội nghiệp, tâm thiện, hành ác này một mình ta tình nguyện gánh chịu. Ta không gánh hết đại tội này thì ai gánh cho? Nhưng mà nếu cầu khả đắc, chúng sinh tiêu tùng hết thì ta tái sống làm gì, vui buồn với ai?
 
Khổ đau của ta không phải từ người. “Giết” người đi thì ta ở với ai? Khi không còn một chúng sinh để độ nữa, thì không còn có sinh tử, luân hồi đau khổ nữa để cứu thì ta còn cần thành Phật không?
 
Suy đi nghĩ lại thì chả có gì để tội nghiệp và để bi thương cả vì tất cả chúng ta chỉ là những kịch sĩ, đào thương, kép độc gặp gỡ bèo bọt, cá nước, keo sơn gắn bó trong những vở tuồng duyên nghiệp, quả báo tạm bợ, vô thường của khổ đau. Bởi cái mặt (diện mục) nó phản ánh bản lai, hành vi của con người cho nên con người thường trông mặt người mà bắt đúng hình vong. Trong hát bội có chữ “dặm mặt” sao cho đúng với cái “vai trò”. Để khi bước ra sân khấu, khán giả thấy cái mặt liền nhận ra ngay cái vai trò hý trường mà mình đang trình diễn với bản lai là trung, nịnh, hiền, hay dữ…
 

 
Tuy nhiên, ông bà cũng có dạy đừng có trông mặt mà bắt hình dong hay suy bụng ta ra bụng người. Nhân chi sơ tính bổn thiện/ác chỉ vì nhân sinh diễn xuất quá xuất thần, như thiệt, đến quên mất cả cái bản lai diện mục gian ác/thiện của chính mình.
 
Tất cả pháp hữu vi,
Như mộng huyễn bào ảnh,
Như sương, cũng như chớp,
Phải nên quán như thế.
(Kinh Kim Cang)
 
Thôi thì có đau khổ tuyệt vọng chán đời thật thì cũng cố tình quán như thế. Quán tưởng nó như vỡ tuồng mộng huyễn, bèo bọt như sương, như sấm chớp mau như vậy để mà nhắm mắt mò mẫm qua cầu khỉ, hay cầu tre lắc lẻo và để khỏi bị lọt xuống mương còn tệ hơn là chết... thiệt.
 
Tóm lại, Phật pháp là pháp môn “ngừa phòng bệnh khổ” chứ không phải là chờ “bạo bệnh” khổ tới rồi mới nguyện sẽ ăn năn, sám hối, bắt đầu niệm Phật, ăn chay, cúng dường, bố thí, làm phước. Đặt điều kiện với trời Phật, NẾU được cứu hết khổ, độ được thân bệnh tử thì “sẽ” tu hành, bố thí NẾU được trời Phật phù hộ cho giàu có và tai qua nạn khỏi.
 
Ai trên đời này chưa nhiều lần đã, đang và sẽ không cầu xin như vậy? Thật ra đây là điều van xin, tham cầu phổ thông bình thường. Đa số chúng ta cũng cầu được mọi chuyện trên đời được đơn giản, thuận lợi, an thường như vậy thôi. Nhưng, trên thực tế, đây là lý do của cầu bất khả đắc. Vì trời Phật, vũ trụ có thể không biết chữ Nếu và cái âm không (tiêu cực, cực âm, negative).
 
Tuy nhiên, cầu hay không cầu thì cũng “khổ qua” vì đau khổ không phải sở hữu của riêng ai? Tâm vô cầu tự nhiên Có tới, rồi thì Có đi. Tới hay không ta có cần cầu đâu mà mong chờ, lo sợ được hay không?
 
Tôi có bài kệ,
 
Được không lo sợ cũng vậy thôi,
Thân si ngã chấp tấm lòng động,
Chấp thường đau khổ tâm can rối,
Chìm nổi nỗi lòng có không lo?

Tâm bố úy vì thân sở trụ,
Vô ngã thân tâm ai sợ lo?
Tam bảo cúng dường tâm lòng hiến,
Bố thí thiên hạ, chẳng tơ tưởng mình.
 
Lê Huy Trứ
« Quay lại



© Copyright 2020 Phulongland.com, All right reserved
® Organize Vietnam Media & Trade Event
© Ghi rõ nguồn "Phulongland.com" khi phát hành lại thông tin từ website này.
® Cơ quan chủ quản: Tổ chức Sự kiện Truyền thông & Thương mại Việt Nam