Hotline: 0989.989.989    |   Liên hệ        
| 24/04/2018, 08:28 pm |

Chuyển hóa khổ đau để được hạnh phúc.


Khi đối diện với những hoàn cảnh không như ý, không thuận lợi, phần lớn chúng ta đều cảm thấy khổ đau và muốn làm sao để vơi đi khổ đau bằng mọi cách có thể, thậm chí là tìm cách trốn tránh nó. Tuy nhiên, cách thức mà Đức Phật dạy chúng ta là phải tìm ra được nguyên nhân của nỗi khổ đó, để chuyển hóa nó, chứ không phải chạy trốn khổ đau.

Trên thực tế, để lắng dịu khổ đau, việc đầu tiên ta cần làm là ôm lấy niềm đau như một kinh nghiệm quý báu cho cuộc sống. Để làm được điều đó, ta cần dành nhiều thời gian để quán chiếu thực tại của khổ đau cũng như những nguyên nhân sâu xa của nó, thay vì ngồi than thân trách phận hay cố gắng chạy trốn. Khổ đau nào cũng đưa đến cho ta một kinh nghiệm sống quý giá, và đó cũng là chất liệu cần thiết để nuôi dưỡng nghị lực và ý chí của ta.


Chuyển hóa khổ đau để được hạnh phúc


Trong cuộc sống, có rất nhiều nguyên nhân có thể làm cho ta cảm thấy đau khổ, chẳng hạn như khi bất hòa với những người xung quanh ta. Mối bất hòa thường xảy ra khi chúng ta không cùng chia sẻ một quan điểm về một sự vật, sự việc. Ta thường có thói quen cho rằng, cách nhìn của mình là đúng, là hợp lý nhất, và thường lấy quan điểm đó để đánh giá quan điểm của người khác. Nếu như vậy thì chắc chắn xung đột sẽ xảy ra, và hiển nhiên ta sẽ dễ rơi vào khổ đau, bực bội. Tại sao người không quan tâm đến ta, không hiểu ta? Câu hỏi đó cứ thường trực trong ta nhiều đến mức khiến ta quên mất rằng, nếu muốn được người khác hiểu và lắng nghe, thì trước hết ta cũng phải biết lắng nghe quan điểm của người khác, cho dầu ta có thích hay không. Có cho đi thì mới mong nhận lại, nếu ta không thể dùng tâm chân thật để lắng nghe quan điểm của người khác, sao ta có thể mong cầu sẽ nhận được điều đó? Hiểu được điều này là ta đã bắt đầu bước những bước đầu tiên trên hành trình chuyển hóa khổ đau cho chính bản thân ta.

Mặt khác, nếu không có khổ đau thì ta sẽ không thể nhận diện được hạnh phúc, và hạnh phúc ấy sẽ chỉ mong manh như sương khói mà thôi. Thêm vào đó, trong khổ đau còn có những chất liệu quý báu có thể giúp ta trưởng dưỡng đời sống tuệ giác chân thật. Chẳng hạn, khi đối diện với những thay đổi, bất an, chúng ta có thể kinh nghiệm được sự vô thường, và từ đó từ bỏ bớt tâm kiêu mạn, chấp ngã. Hay khi thực sự đối diện với tai nạn, chết chóc, đau thương... thì các hạt giống tham, sân, si và thù hận trong ta mới có cơ hội giảm dần.

Là một người tu, mọi hoàn cảnh dù thuận lợi hay bất lợi (theo suy nghĩ của ta) đều có thể giúp cho ta thể nghiệm tính chất đa diện của cuộc sống, đồng thời làm cho tuệ giác của ta thêm phát triển. Điều quan trọng là, để sống trong những hoàn cảnh có nhiều khác biệt với thế giới quan của ta, ta cần phải nhẫn nại, phát triển tâm từ bi và vận dụng trí tuệ của mình một cách đúng đắn nhằm đem lại sự hài hòa, an lạc cho chính mình và cho những người xung quanh mình.

Kết quả hình ảnh cho PHẬT


Khi đã biết cách tìm ra nguyên nhân và chuyển hóa khổ đau rồi, ta cũng cần phải biết cách phòng hộ thân tâm để không tạo thêm khổ đau cho mình và cho người. Thực tế cuộc sống bao giờ cũng có nhiều điều bất an, căng thẳng và phiền muộn. Do đó, giữ sự cân bằng cho đời sống nội tâm là điều rất quan trọng mà ta cần thực tập mỗi ngày. Thử tự hỏi, một ngày ta tắm rửa một lần cho thân thể của mình, nhưng ta có “gột rửa” cho tâm hồn của mình không? Trên thực tế, chúng ta thường không làm chủ được tâm của mình, mà trái lại chúng ta bị tâm của mình làm chủ, lôi kéo liên tục, thậm chí ngay cả khi ăn, khi ngủ. Chính dòng tâm thức của lo âu, hy vọng, và sợ hãi xoay vòng liên tục đã cuốn trôi đi mọi sự bình an trong cuộc sống của ta. Do đó, để cuộc sống được bình an, ta nên thực tập sống chánh niệm, tỉnh thức trong từng hơi thở và bước chân của mình. Chánh niệm là cách thức để điều phục tâm và làm chủ tâm thức của chính mình, và đấy cũng là một cách gột rửa các tâm hoang vu, vọng tưởng. Ta có thể thực tập bằng cách đơn giản nhất là bắt đầu đưa sự chú ý (theo dõi) của mình vào từng hơi thở vào ra, duy trì sự chú ý càng lâu càng tốt. Bên cạnh đó, hàng ngày ta nên dành tối thiểu mười lăm phút, nửa tiếng hay một giờ để chăm sóc cho tâm hồn của mình bằng cách quán chiếu xem tâm của mình đang như thế nào? Trong lúc quán niệm như thế, ta nên quyết tâm loại bỏ những ý niệm tham, sân, si hay những biểu hiện của nó qua thân, miệng, ý và phát triển các tâm từ, bi, hỷ, xả. Ta có thể tận dụng lúc nghỉ ngơi hay trước khi ngủ để hành trì quán niệm. Thực tập chánh niệm một thời gian ta sẽ cảm thấy thân tâm mình vững mạnh và có nhiều an lạc hơn, từ đó mà những điều bất như ý trong cuộc sống cũng không còn làm động tâm ta được nữa. Tâm đã an, đã định, thì khổ đau còn đâu mà sinh khởi!

Tóm lại, để chuyển hóa khổ đau, ta không nên chạy trốn khổ đau hay xua đuổi khổ đau, mà hãy ôm ấp nó như những chất liệu cho cuộc sống. Có khổ đau thì mới có hạnh phúc, cũng giống như phải có bùn thì mới có sen! Tuy nhiên, điều quan trọng là, nếu ta không thấy rõ được nguyên nhân đích thực của khổ đau thì ta sẽ không thể chuyển hóa nó một cách hữu hiệu. Đức Phật dạy khổ đau là một chân lý, và khi thấy được chân lý (sự thật) của khổ đau thì an lạc liền sinh khởi. Do đó, quán niệm về bản chất của khổ đau hay nguyên nhân của khổ đau không những là một giải pháp chuyển hóa mà còn là cách thức chữa lành khổ đau.

ST

« Quay lại



© Copyright 2020 Phulongland.com, All right reserved
® Organize Vietnam Media & Trade Event
© Ghi rõ nguồn "Phulongland.com" khi phát hành lại thông tin từ website này.
® Cơ quan chủ quản: Tổ chức Sự kiện Truyền thông & Thương mại Việt Nam