Hotline: 0989.989.989    |   Liên hệ        
| 06/05/2018, 06:50 pm |

5 bước hóa giải tính ghen tức .


Khi chúng ta không còn kềm chế nỗi tính ghen tức của mình, nó sẽ sai khiến chúng ta làm những cú trả thù độc địa. Hành động kích thích bởi lòng ghen tức có thể tàn phá kinh hồn những mối tình cảm, tư cách, và sự sáng suốt của mình.

Tôi không thích thú nhận mình có tính hay ghen tức. Nhưng cái cảm giác trong người tôi thì không thể lầm lẫn được. Bụng thì co thắt, và miệng thì mím chặt, hai bên sườn thì căng thẳng, và tim thì đau nhói. Những người Hy Lạp cổ thì cho rằng do mật làm việc quá sức nên biến da mình ra tái xanh, vì xúc cảm ghen tức. Xanh vẫn là màu của ghen tức, và cũng là màu của chất độc. Đây chính là kết quả do ghen tức làm nhiễm độc trái tim mình và tâm trí, và thường là hướng đến những người gần chúng ta nhất.






Chúng ta ai cũng biết sân hận là đau khổ vì nó áp lực chúng ta phải giải tỏa những mối đe dọa bằng mọi giá. Cũng như, ham muốn đưa đến ám ảnh vì chúng ta đang quá tuyệt vọng cần một ai đó hay một thứ gì đó. Nhưng ghen tức thì phức tạp hơn nhiều; nó đặt chúng ta trong một tình thế khó xử.  

Khi mình ghen tức, trong đại thừa A-tì-đạt ma tạp luận (của Ngài Vô Trước) có nói rằng, những cảm xúc mâu thuẩn giữa sự ghen ghét và ham muốn kiểm soát tâm mình, tạo nên một loại lý luận lươn lẹo về mọi thứ. Chúng ta khát khao tham muốn thứ mình không có, trong khi lại ghen tức với người đang có nó. Những cảm xúc oái oăm này tạo nên nhiều tầng phản xạ ngược, giằng xé trong thân và tâm mình.

Shakespeare (văn hào nước Anh) hiểu thấu sự ghen tức, như chúng ta thấy trong kiệt tác Othello của ông. Vị hiệu úy bất mãn Iago âm mưu trả thù tướng Othello bằng cách gieo những hạt giống ghen tức và mất niềm tin trong lòng ông đối với vợ mình, Desdemona. Ngay như khi đang tiến hành mưu kế, Iago cảnh báo Othello về đặc tính tàn phá của lòng ghen tức: Ôi! Chủ tướng ơi, xin ngài hãy cẩn trọng với lòng ghen tức; Nó xanh xao như đôi mắt quỷ, đang mỉa mai miếng thịt nó đang ăn.    

Khi tham muốn là cốt lõi của mọi xúc cảm, ganh ghét là sự giày vò, gây đau khổ. Bên dưới cái tình cảm méo mó này tiềm ẩn đặc tính mỉa mai của sự ghen tức. Nó thực sự là “con quỷ mắt xanh,” đang mỉa mai chúng ta trong lúc đang ăn tươi nuốt sống xương thịt của chính chúng ta. Khi chúng ta ghen tức đối với người yêu, hay người hôn phối, chúng ta tạo một lỗ hổng lớn khiến cho mình không thể nào tỏ bày tình cảm của mình đối với họ. Khi chúng ta ghen tức với người đồng sự hay bạn hữu, chúng ta loại bỏ tên người đó ra ngoài danh sách những người mình thương quý. 
 
Kết cuộc, ghen tức có thể dễ dàng biến thành ác cảm, chúng ta nổi cơn sân hận, hay mắng chửi bất ngờ đối với người hay vật mà mình đang ghen tức. Chính vì vậy mà chúng ta càng làm mình xa cách với những điều mình mong mỏi khi mới bắt đầu. Điều này khiến sự ghen tức thật là xảo quyệt và khó khăn để kềm chế.

Khi chúng ta không còn kềm chế nỗi tính ghen tức của mình, nó sẽ sai khiến chúng ta làm những cú trả thù độc địa. Hành động kích thích bởi lòng ghen tức có thể tàn phá kinh hồn những mối tình cảm, tư cách, và sự sáng suốt của mình (điển hình như tướng quân Othello). Cơn cuồng nộ vì ghen tức mớm mồi cho sự giết chóc và tự tử, tàn phá tài sản, và mọi hành động tội ác.

Chúng ta trở nên điên cuồng vì bị sự siết chặt của cơn ghen tức. Tâm mình bị che lấp từ những lý lẽ hợp tình mà giúp mình thấy rõ những hậu quả tai hại từ những hành động kia. Làm ngơ trước trách nhiệm, chúng ta bị mắc kẹt vào cách hành xử thô bạo để đạt được những điều mình tham muốn bằng những mưu kế quỷ quyệt. 

Để làm vấn đề thêm tệ hại, khi mình ghen tức mình cảm thấy xấu hổ và ghét bỏ chính bản thân mình, tự mắng nhiếc mình vì cảm giác đó. Điều này khiến cho cơ hội để làm dịu cơn ghen tức, khai mở tính thiện, và sự tỉnh trí hầu như hoàn toàn biến mất. Thực ra, nó càng làm cơn ghen tức tệ hơn lên: càng thấy mình tệ, mình càng không thể thấy quý trọng sự sung túc của đời sống riêng mình, và vì vậy khiến mình càng tuyệt vọng, tham muốn thêm nữa!

Phật dạy như thế nào để chúng ta đương đầu với tính ghen tức và chuyển hóa nó thành thiện tâm? Phật giáo Tây tạng dạy rằng chúng ta phải tìm liều thuốc giải khi tâm trí trong cơn đau khổ bằng cách nương tựa vào chính cảm xúc đó. Niềm xúc cảm của chúng ta mang đầy trí tuệ. Chúng là chìa khóa giúp sự hành trì, và mối tương quan giữa mình và thế giới chung quanh sâu sắc hơn lên. Nếu chúng ta chỉ sơn phết liều thuốc giải lên trên kinh nghiệm của mình mà không thực sự đối diện với chúng, chúng ta chỉ thêm một lớp vỏ của sự chối bỏ, giả tạo, và thiếu lòng tin vào tính thiện của mình mà có thể giới hạn sự khám phá chân thật về Phật tính của mình. Liều thuốc giải cho tính ghen tức nằm ngay trong lòng của chính sự ghen tức.


Dấu hiệu nhận biết người đàn ông hay ghen


Đây là 5 bước giúp hóa giải tính ghen tức:


1.Tỉnh giác, chánh niệm: Khi chúng ta bị tính ghen tức trói buộc, chúng ta tỉnh giác quay vào chính cái cảm xúc đang bám chặt lấy mình. Điều này khó làm vì đặc tính mâu thuẩn giữa sự hờn ghen và tham muốn, luôn cả cảm giác nhục nhã và tự trách. Bất kể là cảm xúc gì, chúng ta chỉ đơn giản nhận biết chúng và để cho chúng đi, đừng níu kéo hay giữ lại.    

2. Nhận thức sâu sắc: Sau khi chúng ta đã có thể nhận dạng những cảm xúc xuyên qua chánh niệm, chúng ta gạt qua một bên những mẫu chuyện hoặc lời thuyết minh mà đưa đến sự ghen tức. Những câu chuyện này cung cấp nhiều năng lượng cho tính ghen tức của mình đến độ mình tin nó là sự thật – chúng ta cảm thấy mình có lý do chính đáng để tức giận, hờn tủi, và tham muốn, và chính vì vậy mà mình không thể tiếp xúc với tuệ giác nằm bên trong những cảm xúc đó. Bây giờ, mình lui lại một bước và tự hỏi, ghen tức là cái gì? Mình cảm nhận nó ra sao? Ở chỗ này, nếu mình có thể ghi chú xuống được thì hay, nhưng đừng có kể lể dài dòng. Mình cảm nhận tính ghen tức trong con người mình và trong tâm thức ra sao? Tình cảnh của sự ghen tức là gì?

Khi ghi chú những cảm xúc, các bạn nên làm như tôi đã làm. Cơ thể mình cảm thấy thế nào ngay lúc này; trong ngực, trong miệng, trong bụng, và cánh tay? Đau nhói trong ngực, miệng nghiến chặt. Hình tượng nào mô tả rõ nhất? Không thể thở, cảm thấy ngộp, như đang bị ai bóp cổ. Mùi vị của cảm xúc đang chạy nhảy trong đầu ra sao trong từng giây phút? Tơi tả, tuyệt vọng, sợ hãi, phản bội, nhục nhã. Trong tâm mình cảm thấy như thế nào? Suy nghĩ lung tung, chạy qua chạy lại giữa oán hờn và tham muốn. 
 
Rồi chúng ta lại hỏi, những cái này có gì đau khổ?  Đối với tôi, bước ngoặt quan trọng nằm trong câu hỏi này. Vâng, ghen tức đau khổ lắm, cái đau không thể nhịn chịu được. Nhưng nó đau ra làm sao? Cái đau nằm trong chính cái cảm nhận của mình, như tôi đã mô tả rõ rệt trong nhật ký: cái đau đớn về thể xác, cảm xúc, và cả tâm linh. Luôn cả cái đau khổ mà nó xui khiến mình phải làm theo. Tôi muốn làm khổ ai đó; tôi muốn làm khổ chính tôi nữa. Tôi không thể kềm chế nổi chính mình.

3. Giải thoát niềm đau: Khi chúng ta thấy rõ cái khổ đau do ghen tức mang lại, đây là lúc mình thấy được chân lý. Mình cảm nhận niềm đau trực tiếp, thay vì do bị xúi dục bởi đầu mối câu chuyện khiến mình ghen tức và thành nạn nhân bị hành hạ đủ điều không dứt. Có thể bạn cần có thời gian, nhưng rốt cuộc rồi bạn cũng cảm nhận được nó.  

Trong kinh Phật dạy rằng khi mình thật sự cảm nhận được nỗi đau khổ trực tiếp, chúng ta ngay lập tức buông bỏ, cũng giống như khi mình cầm lên cái chảo sắt đang nóng bỏng khiến mình rút tay lại. Khi chúng ta cảm thấy cái đau khổ cùng cực và không thể chối cải của tính ghen tức, mình sẽ muốn được giải thoát khỏi chúng ngay. Mình cảm thấy nó, mình liền buông ra. 

4. Hoan hỉ: Cái gì xảy ra khi chúng ta buông xả? Trước hết, lớp nhám nhúa nhất của sự xúc cảm là giận hờn biến mất. Đây là một cú thở phào nhẹ nhỏm vì chúng ta biết được rằng sự hờn giận kia sẽ không mang lại kết quả như ý muốn; đúng ra, nó nhanh chóng và chắc chắn khiến mình lìa xa những điều mình muốn làm. Kế đến là sự vướng mắc đối với lòng tham cầu. 

Đức Phật xem ‘vô cầu’ là điểm then chốt trong lúc thiền quán. Thực vậy, chỉ cần nhận thức được khổ đau thì cơn thèm khát của cầu mong sẽ có thể biến mất nhanh chóng. Cái gì sẽ còn lại khi hờn giận và tham cầu yếu đi? Chúng ta tưởng rằng mình sẽ kiệt sức khi hờn giận và tham cầu được trút bỏ, nhưng điều đó không đúng như vậy. Có một thoáng của sự hoan hỉ xuất hiện khi không gian của sự tự do được giải phóng.  

Hoan hỉ là niềm vui không vị kỷ, cho phép mình vui mừng với hạnh phúc và may mắn của người khác. Nó được xem là vô hạn vì nó đến từ tính vị tha sẵn có và bản chất lành thiện của tất cả chúng ta. Biết thưởng thức hoan hỉ là một tiến trình diễn tả cá tính nhân bản tự nhiên của con người.

Nền móng của sự dính mắc và tham lam, dù nằm ngay trong tâm điểm của sự ghen tức, chúng vốn có một năng lượng căn bản là tình thương và sự quan tâm chân thật – ngọn lửa của sự khát khao. Khi những đức tính xoay quanh bản ngã được giải phóng do nhận thức ra sự đau khổ, tình thương yêu được tự do để trở thành niềm hoan lạc mênh mông. Hoan hỉ cổ vũ cho hạnh phúc và thành công của người khác và vui mừng với sự khỏe mạnh và tươi mát của họ bất cứ khi nào họ được thụ hưởng. Nhưng ở thời điểm này, chúng ta chỉ mới thoáng thấy niềm hoan hỉ được tán dương – nó cần phải được nuôi dưỡng thêm.  

5. Khai Thác: Chúng ta phải thực tập mỗi ngày để ổn định và đào sâu niềm hoan hỉ của mình đối với hạnh phúc và thành công của người khác, thay vì ghen tức. Trước hết, chúng ta hướng tâm mình đến người nào mà mình biết vốn thường vui vẻ và hạnh phúc. Nó có thể là một người bạn, người làm chung sở, một đứa bé, hay một vị thầy tâm linh.  

Chúng ta quán tưởng người này đang dâng trào niềm vui và nâng niu niềm hoan lạc này với lòng biết ơn. Người bạn luôn hoan hỉ này của ta tạo ra một khung cảnh thật đặc biệt khi anh ta có mặt ở bất cứ nơi nào! Thật là tuyệt vời làm sao? Rồi chúng ta thực tập hòa nhập vào niềm vui của người bạn này, cũng như dâng trào lòng biết ơn, niềm hoan hỉ, và tạo ra một khung cảnh tươi vui. Chúng ta tiếp tục ca tụng người bạn đang hỉ lạc này và cảm nhận thấy đời mình bỗng nhẹ tưng và sáng sủa trong lúc đang làm vậy. Thực là một tài năng đặc thù khi mình có thể chúc mừng sự thành công và hạnh phúc của người khác!

Cuối cùng, điều quan trọng là, trong khi mình cố gắng thực tập tán thưởng lòng hoan hỉ, mình liền hướng sự thực tập này về người hay hoàn cảnh mà khiến mình sinh ghen tức. Mình có thể tiếp tục cảm nhận niềm vui, hoan hỉ đối với sự thành công và hạnh phúc của người này hay không? Nếu ghen tức lại nổi lên, chúng ta lại quay về quán niệm cái cảm giác ghen tức, đặc tính giam hãm, tù ngục, và cơn đau khủng khiếp của nó. 

Tất cả những thực tập này có khi kéo dài cả năm – Tôi đã trải qua thời gian như vậy. Nhưng tính ghen tức sẽ không bao giờ trực tiếp mang đến hạnh phúc; nó chỉ làm mình khổ thêm mà thôi. Rốt cuộc rồi, biết quý trọng sự hoan hỉ mới là liều thuốc chữa lành căn bệnh ghen tức và hoá giải được con quỷ chất độc, mắt xanh.

VHPG
« Quay lại



© Copyright 2020 Phulongland.com, All right reserved
® Organize Vietnam Media & Trade Event
© Ghi rõ nguồn "Phulongland.com" khi phát hành lại thông tin từ website này.
® Cơ quan chủ quản: Tổ chức Sự kiện Truyền thông & Thương mại Việt Nam