Thật ra, người ta thường cho rằng Phật tử không phải là những người cổ vũ cho việc kết hôn, sinh con và tận hưởng ngũ dục trong cuộc sống gia đình, thêm vào đó cũng có nhiều trường hợp ly dị. Riêng tôi thì thấy có một lý do rất đạo đức và phù hợp với chánh pháp để ta kết hôn: đây là dịp để tu học tinh tấn một cách sâu sắc nhất.
Vào ngày kết hôn, tôi thề nguyền sẽ dâng hiến bản thân mình để chăm lo cho sức khoẻ và hạnh phúc của người phối ngẫu trong suốt cuộc đời. Đối với tôi, thật khó tưởng tượng ra một điều gì đó sâu sắc hơn, “Phật giáo” hơn thế.
Thệ nguyện là một phương pháp thực hành truyền thống mạnh mẽ xuyên suốt toàn bộ con đường tu học Phật giáo. Ngài Norman Fischer giải thích rằng, "Khi thệ nguyện, không có nghĩa là ta sẽ phải hoàn thành đầy đủ những gì ta dự kiến. Lời thề còn đi xa hơn nữa: tiếp tục tu học thực hành mãi mãi."
Đối với những Phật tử kết hôn, một trong những phần quan trọng nhất là thệ nguyện. Ngài Sakyong Mipham Rinpoche nói các cặp đôi thường hỏi nhau, "Mục đích của mối quan hệ này là gì? Cả hai chúng ta muốn cùng nhau chia sẻ điều gì trong đời? "
Cố thiền sư Zenkei Blanche Hartman đã viết rằng các cặp vợ chồng nên chia sẻ với nhau về những giá trị và mối quan tâm của họ, để có tiếng nói chung và sự thấu hiểu trong mối quan hệ giữa hai người. Ông nói: "Tôi nghĩ điều đó rất quan trọng cho một mối quan hệ hôn nhân bền vững.
Sau khi trả lời những câu hỏi trên, đám cưới là cơ hội để một cặp vợ chồng chính thức hóa và ăn mừng sự cam kết của họ. James Ford giải thích rằng đám cưới cũng là cơ hội cho một cặp vợ chồng thừa nhận cam kết chung của họ trên con đường Phật giáo.
Một khi hai vợ chồng có một sự cam kết với nhau – trong hôn nhân hay trong một thỏa thuận nào đó - mỗi khoảnh khắc trong mối quan hệ này đều là cơ hội quý giá để họ thực hành tâm linh.
Ngài Sakyong Mipham Rinpoche nói, "mối quan hệ sẽ cho ta thấy bạn đang tu học tốt đến mức độ nào. Nói đến tận kỳ cùng, mối quan hệ có thể mang lại lợi ích cho bạn rất nhiều và cũng có thể làm cho bạn khổ đau đến cùng tận."
Điều quan trọng là ta phải dâng hiến trọn thân tâm mình trong mối quan hệ này. "Hãy hết lòng và tận tụy trong cuộc hôn nhân của mình để nó trở thành cơ hội cho bạn tu học thực hành, qua đó kiểm chứng bản chất của đau khổ và sự tự do", Narayan Helen Liebenson khuyên.
Sylvia Boorstein nhớ đến một câu chuyện đẹp về những người bạn của cô, những người cho rằng lời thề trong hôn nhân là một hình thức tuyên thệ ngũ giới trong Phật giáo:
* Bởi vì anh yêu em, anh hứa sẽ không bao giờ làm tổn hại hoặc gây đau khổ cho em.
* Bởi vì anh yêu em, anh hứa sẽ không bao giờ lấy bất cứ điều gì mà em không muốn cho hoặc tặng anh.
* Bởi vì anh yêu em, anh hứa sẽ luôn chân thành và yêu thương em.
* Bởi vì anh yêu em, anh hứa sẽ luôn đối xử theo cách tôn trọng và dịu dàng với em bằng tình yêu của mình.
* Bởi vì anh yêu em, anh hứa sẽ luôn hành động với trí huệ và tránh xa sự vô minh.
"Cuộc hôn nhân của các bạn ấy, Dwayne và Sara, giờ đang bước sang thập kỷ thứ hai", Boorstein kể lại, "mỗi buổi sáng, họ lập lại lời thề này với nhau, khẳng định lại mong muốn của họ trong hôn nhân để lời thề này ăn sâu vào tiềm thức và thể hiện qua từng hành động trong ngày của họ. Kết quả là họ sống rất hạnh phúc."
Việc tu học thực hành trong cuộc sống hôn nhân còn bao gồm tín lý của Phật giáo về sự vô thường. Đời sống hôn nhân sẽ có khi gặp sóng gió và cho dù tốt đẹp mấy đi nữa thì chắc chắn là nó sẽ kết thúc, hoặc là trong sự chia tay tan vỡ hoặc là cái chết. Quan điểm của Phật giáo là sử dụng thực tế này để tu học và là một nguồn cảm hứng để ta xử sự một cách tử tế và chu đáo trong từng khoảnh khắc của đời sống gia đình. Như các giáo sư Phật giáo Narayan Helen Liebenson, Tenzin Wangyal Rinpoche, và Sallie Jiko Tisdale đã giải thích: đôi khi một cuộc hôn nhân không thành công, và điều đó là bình thường. Ta nên chấp nhận và đừng quá đau khổ về điều đó.
ST