Một cổ động viên Argentina đã mang tấm poster với nội dung: “Xin Nigeria hãy giành chiến thắng (trước Iceland)”. Với cường quốc bóng đá như Argentina, tấm poster ấy chẳng khác gì nghịch lý. Họ đã phải “mượn tay kẻ khác” để mở ra cơ hội “cứu mình”.
Quả thực, ở vòng bảng World Cup 2018, Argentina đã nhiều lần đứng trước lằn ranh sinh tử như vậy. Nếu Iceland chiến thắng trước Nigeria, rất có thể mọi nỗ lực của Argentina ở trận đấu quyết định với Nigeria sẽ trở nên vô nghĩa.
Và ở trận gặp Nigeria, Argentina lại đứng trước lằn ranh sinh tử một lần nữa. Cho tới phút 86, họ vẫn đang đấu tranh chống lại tử thần. Và rồi, Marcos Rojo như từ dưới đây chui lên với cú dứt điểm tung lưới Nigeria, mang về chiến thắng “quý hơn vàng” cho La Albiceleste.
Hình ảnh Marcos Rojo cõng Messi ăn mừng bàn thắng thực sự mang tính biểu tượng. Trung vệ của MU chẳng khác gì đấng cứu thế, đưa Messi ra khỏi địa ngục để đưa tới ánh sáng. Trong ánh mắt của Messi, người ta thấy ánh lên tia hy vọng, thứ tưởng chừng đã bị dập tắt. Đất nước Argentina thở phào nhẹ nhõm.
Sau khi “chết hụt”, người ta mới thấy quý hơn về cuộc sống. Argentina cũng vậy. Nhưng giờ đây, họ đang đứng trước những cuộc chiến sinh tử. Ở đó, chẳng xuất hiện Nigeria thứ hai để cứu rỗi thày trò HLV Sampaoli. Thay vào đó, họ phải chiến đấu giữa lằn ranh sinh tử bằng chính đôi chân của mình.
Vấn đề ở chỗ, nếu tiếp tục trình diễn lối chơi ở vòng bảng, Argentina khó lòng có thể tiến sâu. Thậm chí, họ có thể bị loại ngay trong cuộc đối đầu với Pháp. Hãy nhìn cách Croatia chơi bóng. Họ phong tỏa quá dễ dàng Argentina với sự bóp nghẹt ở tuyến giữa. Iceland cũng không cho đội tuyển xứ Tango quá nhiều cơ hội. Nigeria đã khiến Argentina bế tắc thực sự ở hiệp 2.
Một trong những nguyên nhân chính khiến Argentina lâm vào bế tắc là ở việc họ thiếu đi nhạc trưởng. Banega đã tung ra đường chuyền quyết định cho Messi lập công nhưng không phải mẫu nhạc trưởng lùi sâu để triển khai bóng từ sân nhà, cũng như giúp Argentina chiếm lĩnh thế trận. Mascherano thi đấu thấp nhất nhưng cầu thủ này thường xuyên chuyền hỏng tai hại, khiến cho đội nhà lâm vào thế khó. Đó là tử huyệt lớn nhất của Argentina. Có lẽ, việc thay đổi lối chơi của đội tuyển xứ Tango cũng xoáy vào vấn đề này.
Việc chơi tấn công, dồn ép đối thủ nhưng không có nhạc trưởng như ý khiến cho gánh nặng dồn lên vai Messi nhiều hơn. Nhưng có thể thấy chính HLV Sampaoli cũng gặp khó trong việc sắp xếp Messi. Nếu để cầu thủ này chơi ngay phía sau tiền đạo cắm, Argentina dễ dàng bị đối thủ cắt đứt liên lạc giữa tuyến tiền vệ và tiền đạo. Nếu Messi chơi lùi sâu, hàng tiền đạo của Argentina lại không có đột biến. Đó là chưa kể đối thủ luôn phái 2,3 người theo El Pulga như hình với bóng.
Có điều đáng để lưu ý, HLV Sampaoli là người ưa lối chơi phản công. Điều đó thể hiện rõ nhất ở đội tuyển Chile. Thời ấy, Chile luôn tìm cách bóp nghẹt đối thủ bằng lối chơi pressing, hạn chế tối đa khoảng không ở giữa sân của đối thủ. Argentina từng khốn khổ vì lối chơi ấy.
Có lẽ, đó cũng là cách duy nhất để “cứu” Argentina vào lúc này. Nó sẽ giúp La Albiceleste trở nên cân bằng hơn, thay vì lối chơi như ở vòng bảng. Cần nhấn mạnh, ở World Cup 2014, vẫn với lối chơi phòng ngự, phản công của HLV Sabella, Argentina đã lầm lỳ tiến vào trận chung kết và chỉ chịu thất bại trước Đức bởi bàn thắng ở hiệp phụ thứ hai.
Thêm lý do khác buộc Argentina phải thay đổi lối chơi đó là đội tuyển Pháp. Ở vòng bảng, Pháp đã vứt bỏ hình ảnh hào hoa để chơi thực dụng và toan tính tới mức cực đoan. Cụ thể, sau khi dẫn trước Peru, Pháp chẳng buồn tấn công mạnh mẽ mà tập trung… bảo toàn tỷ số. Đặc biệt, với Mbappe, Dembele… Pháp cực kỳ đáng sợ ở những pha phản công.
Trước trận đấu, HLV Sampaoli thừa nhận rằng ông lo ngại những pha phản công của người Pháp. Do đó, điều quan trọng nhất với Argentian ở thời điểm này là sự an toàn. Điệu nhảy Tango cũng cần hướng tới điều đó, nhất là khi ở tuyến trên, họ sở hữu Messi đẳng cấp, có thể trừng phạt đối thủ bất kỳ lúc nào.
Người ta đang chờ đợi Argentina thể hiện bộ mặt khác. Tất cả sẽ có câu trả lời vào tối nay.
Theo DT