Hotline: 0989.989.989    |   Liên hệ        
| 10/07/2018, 10:01 am |

Phật dạy về tâm hoang vu.


Kẻ có tâm hoang vu là kẻ vẫn nghi ngờ bậc đạo sư, nghi ngờ chánh pháp của đức Phật, có tâm do dự, không quyết đoán, không có tịnh tín, lại sinh tâm phẫn nộ với những người giữ giới và những người có tín tâm.




Hơn hai ngàn năm trăm năm trước, đức Phật đã ân cần vạch ra sự nguy hiểm của dục:

“Lại nữa, này các Tỳ kheo, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nguyên nhân, do chính dục làm nhân, vua tranh đoạt với vua, Sát đế lị tranh đoạt với Sát đế lị, Bà la môn tranh đoạt với Bà la môn, gia chủ tranh đoạt với gia chủ, mẹ tranh đoạt với con, con tranh đoạt với mẹ, cha tranh đoạt với con, con tranh đoạt với cha, anh em tranh đoạt với anh em, anh tranh đoạt với chị, chị tranh đoạt với anh, bạn bè tranh đoạt với bạn bè. 

Khi họ đã dấn mình vào tranh chấp, tranh luận, tranh đoạt; họ công phá nhau bằng tay; họ công phá nhau bằng đá; họ công phá nhau bằng gậy; họ công phá nhau bằng kiếm. Ở đây họ đi đến tử vong, đi đến sự đau khổ gần như tử vong. Này các Tỳ kheo, như vậy là sự nguy hiểm các dục... là nguyên nhân của dục.

Lại nữa, này các Tỳ kheo, do dục làm nhân... do chính dục làm nhân, họ cầm mâu và thuẫn, họ đeo cung và tên, họ dàn trận hai mặt và tên được nhắm bắn nhau, đao được quăng ném nhau, kiếm được vung chém nhau. Họ bắn đâm nhau bằng tên, họ quăng đâm nhau bằng đao, họ chặt đầu nhau bằng kiếm. Ở đây họ đi đến tử vong, đi đến sự đau khổ gần như tử vong. Này các Tỳ kheo, như vậy là sự nguy hiểm các dục... là nguyên nhân của dục… Này các Tỳ kheo, như vậy là sự nguy hiểm các dục, đưa đến đau khổ tương lai, là khổ uẩn, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nhân duyên, do chính dục làm nhân". (Phẩm Tiểu kinh Khổ uẩn, Kinh Trung Bộ, HT.Thích Minh Châu dịch).

Như vậy, đức Phật đã nhìn ra nguyên nhân của mọi nguyên nhân gây nên tội ác: đó chính là Dục. Cũng nên lưu ý rằng dục được nói tới trong đoạn kinh nêu trên là ác dục, là những mong muốn thỏa mãn mọi lạc thú ở đời, khác với lòng mong muốn trong Dục như ý túc, một sự khao khát hướng thượng. Giáo pháp của đức Phật chỉ ra cho con người thấy cần phải diệt trừ những mong muốn thỏa mãn lạc thú chỉ gây nên tội lỗi, mà phải nhắm đến những khao khát hướng thiện để giải thoát khỏi những nỗi khổ trói buộc con người. 

Nhưng đức Phật cũng chỉ ra rằng nếu hành giả không đoạn tận năm tâm hoang vu thì không thể nào hướng tới những khao khát hướng thượng trong Dục như ý túc. Kẻ có tâm hoang vu là kẻ vẫn nghi ngờ bậc đạo sư, nghi ngờ chánh pháp của đức Phật, có tâm do dự, không quyết đoán, không có tịnh tín, lại sinh tâm phẫn nộ với những người giữ giới và những người có tín tâm. Một kẻ như vậy sẽ không tin rằng có thể diệt trừ mầm ác trong xã hội. Cho nên, trước hết, xã hội phải ngăn ngừa tình trạng "sa mạc hóa" tâm hồn, bằng cách xây dựng niềm tin vào Tam bảo.

Làm thế nào để khắc chế hay tiết giảm tầm nguy hại của lòng tham muốn: muốn ăn ngon mặc đẹp, muốn nổi tiếng, muốn vui chơi, muốn có những gì mình muốn mà không cần lao động, không cần cố gắng…? Phải bắt đầu từ giáo dục, từ gia đình, từ người lớn. Trẻ em cần phải thấy sự gương mẫu của cha anh, nhân dân phải thấy sự gương mẫu của quan chức, công bộc của dân… người dưới nhìn kẻ trên… Chừng nào thiếu những tấm gương ấy thì xã hội còn tao loạn, lòng người vẫn nhiễu nhương và cái ác không thể đoạn trừ!

Hãy bắt đầu ngay nếu không thì quá muộn!

Trích Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 127

« Quay lại



© Copyright 2020 Phulongland.com, All right reserved
® Organize Vietnam Media & Trade Event
© Ghi rõ nguồn "Phulongland.com" khi phát hành lại thông tin từ website này.
® Cơ quan chủ quản: Tổ chức Sự kiện Truyền thông & Thương mại Việt Nam