Hotline: 0989.989.989    |   Liên hệ        
| 07/08/2018, 08:55 pm |

Tám ngọn gió làm cho chúng ta quay cuồng trong thế gian này.


Tám ngọn gió lớn này làm cho cuộc đời chúng ta bay lên, chìm xuống, trôi qua, ngược lại, khi thì hạnh phúc, khi thì đau khổ và nó làm cho chúng ta điên đảo. Không riêng ai mà tất cả chúng ta đều phải chịu tác động tám ngọn gió đời này như nhau. Muốn vượt qua sự tác động của bát phong, chúng ta phải nỗ lực thực hành chánh pháp để vượt qua tự ngã và thực chứng được duyên khởi của các pháp.

Bát phong có nghĩa là tám ngọn gió, thổi rất mạnh làm cho cuộc sống con người bị xáo trộn, ảnh hưởng đến đời sống, nếu con người không bị tám ngọn gió này làm dao động thì cuộc sống rất bình thường. Tám ngọn gió này gồm: “lợi-suy, hủy-dự, xưng-cơ, khổ-lạc”, là lợi dưỡng - suy hao, hủy báng - tán thán, tôn kính - chê bai, đau khổ - vui mừng, hay còn gọi là được - mất, khen - chê, tốt - xấu, khổ đau - hạnh phúc. Tám ngọn gió làm cho chúng ta quay cuồng trong thế gian này.
 

Kết quả hình ảnh cho gió

 

Tám ngọn gió ảnh hưởng con người như thế nào? Có một câu chuyện rất thú vị, kể về ông Tô Đông Pha và Ngài Phật Ấn sống vào khoảng thời Tống, cuối thế kỷ 11. Ông Tô Đông Pha là một thi sĩ danh tiếng, không chỉ là một nhà thơ mà còn là nhà nghiên cứu Phật học rất uyên bác. Ông rất tự hào về văn sĩ, thư sĩ và cả hiểu biết Phật học của mình. Ông  giao thiệp với thiền sư Phật Ấn. Hai Ngài rất thân thiết và thường trao đổi Phật học với nhau. Vào một ngày kia ông qua thăm Ngài Phật Ấn, vì Phật sự nên Ngài Phật Ấn không có ở chùa. Ông chờ đợi rất lâu nên làm bài thơ:

Khể thủ thiên trung thiên

Hào quang chiếu đại thiên

Bát phong suy bất động

Đoạn tỏa tử kim liên.

Ông muốn nói rằng đức Phật Thích Ca là một vị giác ngộ, hào quang của Ngài chiếu khắp nơi và tám ngọn gió không làm cho lay chuyển, vẫn bất động. Ông để lại bài thơ trước khi ra về với ẩn ý muốn nói cho người bạn biết tôi cũng vậy, tôi cũng hiểu bát phong nên bất động, bây giờ tám ngọn gió chả ảnh hưởng gì tới tôi cả. Chiều Ngài Phật Ấn về thảo đường thấy bài thơ liền cầm bút phê hai chữ là “Hạ Phong”, Có nghĩa là gió thấp, bảo tiểu đồng đem qua cho Tô Đông Pha, sau khi nhận được hai chữ “hạ phong”, ông tức quá vội vàng chèo xuồng qua gặp Ngài Phật Ấn, tôi làm bài thơ ca ngợi đức Phật Thích Ca là người giác ngộ đối với tám ngọn gió không còn để trong lòng nữa. Tại sao Ngài ghi hai chữ “Hạ Phong”, Ngài Phật Ấn cười nói rằng tám ngọn gió thổi ông Tô Đông Pha trơ trơ bất động, mà chỉ có ngọn gió lè tè dưới đất thổi nhẹ một cái, mà ông chèo xuồng từ bên kia sông qua bên này để mà cãi lý. Khi Tô Đông Pha nghe tới đó thì giật mình cũng vì cái tôi, cái ngã của mình cao quá. Nói lý thuyết thì dễ, bát phong bất động, đến khi có ngọn gió phẩn phớt qua một cái khiến mình nổi sân lên liền. Nhân tiện đó Ngài Phật Ấn cũng tặng Tô Đông Pha hai câu.

Hữu phong bất động, vô phong động.

Bất động vô phong, động hữu phong.

Hữu phong là có gió bất động, vô phong là không có gió thì động, ông nói rằng ông có gió thì bất động, tôi đâu cần gió gì chỉ cần hai chữ “Hạ Phong” là ông động phải chèo xuồng từ bên kia qua đây. Giáo pháp của Đức Phật là những lời dạy từ những thực chứng thiết thực nên người học phải thực hành mới chứng thực được. Mình nói là vô thường, khổ, vô ngã nhưng có điều người thân của mình vì một lý do gì đó rời bỏ mình ra đi thì khóc bù loa, bù lu và đau khổ. Thành ra giáo lý nhà Phật đọc thì dễ hiểu, nhưng thực hành được hay không là một chuyện khác. Văn rồi tư, khi tư rồi mới bắt đầu tu tập cho đến khi giải thoát, chưa tu mà mới hiểu không cũng là con số không.

Hình ảnh có liên quan


Lợi-Suy, còn gọi là được và mất. Lợi là lợi dưỡng, lợi lộc, lợi danh gọi chung là được. Suy là suy hao, suy tàn hay gọi là mất. Khi mất việc, của cải, tài sản, thì buồn chẳng muốn làm gì cả. Khi mình cưới được một người mình yêu thương mặt mày tươi rói, đi ra, đi vào, huýt sáo, ca hát. Nhưng người thương mình ra đi, thì lúc đó mình buồn ủ rũ. Trong cuộc đời này khi mở mắt ra là được và mất luôn luôn theo chúng ta, khi trúng số, con mình thi đậu là được. Khi mất tiền, mình thua gọi là mất. Đức Phật không bao giờ dạy mình tìm cái được cả, vì mình tìm cái được khi mình mất sẽ đau khổ. Hai ngọn gió này khi mình làm được nó thổi mình lên tận mây xanh, khi mình suy tàn sẽ rơi xuống dưới đất. Ngọn gió này đánh con người tơi tả, hàng ngày, hàng giờ. Khi có công ăn việc làm và mất công ăn việc làm, mất tiền, hết tiền, có người thân, mất người thân. Ngọn gió này làm cho con người quay cuồng trong cuộc sống. Có một ông Bà La Môn đi đến gặp Đức Phật hỏi rằng: Bạch Đức Thế Tôn khi giác ngộ Ngài đạt được cái gì và mất cái gì. Đức Phật trả lời, Như Lai mất đi một cái đó là cái ngã. Như Lai được cái có sẵn trong con người đó là cái tâm thanh tịnh. Đức Phật Ngài muốn nói rằng cái tâm thanh tịnh lại có sẵn trong con người của mỗi chúng ta.

Hủy và Dự, gọi là hủy báng và tán thán, cũng là khen-chê. Chỉ lời nói mà làm cho chúng ta lên bờ, xuống ruộng rồi. Có một câu chuyện trong nhà thiền: Một vị tướng quân tới gặp vị thiền sư hỏi rằng: Bạch Ngài trong Phật giáo nói có Niết-bàn và có Địa Ngục, Ngài có tin không. Vị thiền sư nói, ôi giời ơi, ông nói tàm sàm, ba láp, làm gì có Niết-bàn, làm gì có Địa Ngục. Khi nghe thiền sư nói như vậy ông đùng đùng nổi nóng, quát tháo ra lệnh cho lính tới bắt vị thiền sư định chém đầu, thì vị thiền sư cười bảo đấy. Ông muốn hỏi tôi về Địa Ngục, thì có phải ông đang sống trong Địa Ngục không. Vị tướng quân lúc đó nghe vị thiền sư giải thích và quay qua xin lỗi và rất vui vẻ cảm ơn Ngài đã chỉ giáo cho. Vị thiền sư nói ông hỏi tôi Niết-bàn, ông đang sống trong Niết-bàn đó. Thành ra cái khen và chê nó làm cho con người sống trong Địa Ngục hay sống trong Niết-bàn tùy lúc, khen thì lên tận trời xanh sống, chê một cái bừng bừng nổi giận sống trong địa ngục.

Xưng và Cơ, có nghĩa tôn kính và chê bai, hay tốt và xấu. Vì vô minh nên con người chấp vào tự ngã, cái tôi, khu vườn này tôi xây dựng lên nên nó mới đẹp, ai mà chê khu vườn xấu thì tôi tức giận, thành ra một món đồ nào mà người ta nói món đồ này tốt thì mình vui vẻ, nếu nói món đồ này xấu thì ta bực mình tức giận. Cũng có câu chuyện nói rằng, một anh chàng cưới một cô vợ bị chột mắt, mọi người nói tội nghiệp anh quá. Thế anh trả lời là tội nghiệp quý vị thì có, vợ tôi có một mắt là đủ rồi, còn quý vị có hai con mắt nó dư một mắt thì tội nghiệp lắm. Như vậy chúng ta hiểu rằng như thế nào là tốt, như thế nào xấu là tùy theo quan niệm của mỗi người mà thôi.

Hình ảnh có liên quan

Khổ và Lạc, hay còn gọi là đau khổ và hạnh phúc. Hai ngọn gió cuối cùng thông thường nói chung mình mong muốn hạnh phúc, không đạt được thì đau khổ. “Cầu bất đắc khổ”, mình mong cầu không được là đau khổ, còn ước gì được nấy thì lúc đó vui vẻ, sung sướng thành ra một ngọn gió làm cho mình đau khổ, còn một ngọn gió làm cho mình hạnh phúc. Tuy chỉ một giây lát, một thoáng mà thôi. Chứ nó không phải vĩnh viễn, chẳng có cái gì vĩnh viễn trên cuộc đời này cả. Đức Phật nói rằng các “pháp hữu vi là vô thường”. Chỉ có một pháp vĩnh viễn đó là Niết-bàn, chỉ có khi nào mình giác ngộ nhập Niết-bàn thì mới là vĩnh viễn không còn đau khổ. Còn tất cả hạnh phúc trên thế gian này được một thời gian ngắn mà thôi. Khi bữa ăn ngon thì ta vui vẻ và sung sướng, nhưng ngày hôm sau bữa ăn dở thì đau khổ, thành ra hạnh phúc luôn đi cùng với đau khổ. Niết-bàn của Phật giáo là một nơi không có đau khổ, cũng là một nơi không có hạnh phúc, đừng đi tìm hạnh phúc ở cõi Niết-bàn của Phật giáo. Niết-bàn chỉ là cõi tịch tịnh mà thôi, không có sự đau khổ, không có sự bất toại nguyện. Thành ra tám ngọn gió này nó ảnh hưởng đến cuộc sống phàm phu của chúng ta rất nhiều, làm cho mình quay cuồng trong cuộc sống rất nhiều, đi từ hạnh phúc đến đau khổ chỉ trong giây phút. Có những người trúng số độc đắc và rồi hết tiền, tiêu tan tài sản và sự nghiệp. Có biết bao người giàu có bạc tỷ đến khi hết tiền, tay trắng vẫn là trắng tay, cuối cuộc đời chết đói, không có một miếng ăn để no lòng trước khi nhắm mắt lìa đời, chuyện đó xảy ra hàng ngày trên thế gian này. Thành ra tám ngọn gió nhưng thật sự chỉ có bốn mà thôi, nói với phàm phu thì đức Phật phải mang cái phần hạnh phúc ra để giải thích trước, sau mới nói tới phần đau khổ để cho mọi người mà cố gắng tu tập làm sao tránh đi cái đau khổ. Muốn không có đau khổ thì đừng tìm hạnh phúc, có sanh là có diệt, có già là có bệnh, có bệnh là có đau khổ. Cho nên sinh, lão, bệnh, tử là điều không ai tránh khỏi.

Theo Giac Ngộ


« Quay lại



© Copyright 2020 Phulongland.com, All right reserved
® Organize Vietnam Media & Trade Event
© Ghi rõ nguồn "Phulongland.com" khi phát hành lại thông tin từ website này.
® Cơ quan chủ quản: Tổ chức Sự kiện Truyền thông & Thương mại Việt Nam