Hotline: 0989.989.989    |   Liên hệ        
| 21/08/2018, 08:46 pm |

Hiếu làm đầu mùa Vu Lan về


Truyền thống đạo đức phương Đông xem Đạo Hiếu là nền tảng và Đạo Phật cũng dạy chúng ta luôn lấy chữ Hiếu làm đầu. Cho nên mùa Vu Lan không chỉ dành riêng Tăng ni và Phật tử tại gia mà còn dành cho tất cả mỗi cá nhân tưởng nhớ về ơn nghĩa sinh thành và công dưỡng dục của cha mẹ cũng như của ông bà Cha Mẹ nhiều đời.

Kết quả hình ảnh cho VU LAN  BÁO HIẾU

Khi những hạt mưa ngâu bắt đầu sục sùi rơi xuống là cũng bắt đầu bước vào mùa lễ hội Vu Lan, ngày lễ hội truyền thống đã được truyền trong khắp mọi người con Phật nói riêng và những người con Việt nói chung về đạo hiếu, đạo làm người; biết ơn và trả ơn đấng sinh thành. 

Ơn dưỡng dục sánh như trời bể

Nghĩa sinh thành sâu tựa biển khơi

Thờ Cha kính Mẹ trọn đời

Ấy là chữ hiếu dạy trong luân thường.

Cha Mẹ nào sanh con ra cũng hết mực yêu quý con và luôn mong mỏi con nên người cũng như người con nào cũng luôn thương yêu và nghĩ đến Cha Mẹ với trọn tấm lòng yêu kính. Vì vậy những ngày này, khi bên ngoài mưa giăng u ám bầu trời thì trong lòng những người con lại trĩu nặng tình thâm cốt nhục với đấng sinh thành đã khuất.

Thế nhưng trong cuộc đời vốn dĩ vô thường này, vẫn có những số phận sống trong nghịch cảnh. Vẫn có những giọt nước mắt sầu bi nhưng đôi khi lại dâng tràn sự uất hận đến nhói đau lòng. Giữa hàng triệu con tim yêu thương nồng ấm vẫn xen lẫn những trái tim băng giá trong tình mẫu tử thiêng liêng. Vẫn còn đâu đó nỗi niềm u uất trong lòng của những người con dành cho đấng phụ mẫu sanh thành. Những số phận của những đứa con bị Cha Mẹ bỏ rơi không nhìn nhận, bị ghẻ lạnh không thương yêu và chìm trong dằn vặt khổ sở của cuộc đời. Thế nhưng, vì đâu nên nỗi….?

Cho dù bạn là ai, quốc tịch nào và theo tôn giáo nào đi chăng nữa, bạn cũng từng có một “gia đình” dù chỉ một phút giây cũng đã là có.  Vì sao? Vì sự hình thành nên chúng ta đây phải từ sự hợp nhất của cả Cha và Mẹ. Quá trình để một “con người” như chúng ta đây ra đời chẳng đơn giản như một hiện tượng sinh học bình thường mà là cả một sự “tranh giành quyết liệt” để rồi Mẹ là người bao bọc chúng ta để che chở, giữ gìn cho trọn vẹn hình hài. Có bao giờ bạn “ước” sao mình không sanh ra từ bụng một bà mẹ tuyệt vời, một gia đình ấm no, yêu thương hạnh phúc mà lại phải chịu cảnh trái ngang khi sự xuất hiện của mình là nỗi đau khổ, bất hạnh và phải chịu bao tủi cực, không được Cha, Mẹ đoái hoài thương mến?

Điều gì là sự chọn lựa hoàn cảnh của chúng ta? Có bao giờ bạn dành cho mình những phút giây hoàn toàn tĩnh lặng để tự hỏi tận đáy lòng và tìm cho mình câu trả lời có thể xua tan được đám mây u ám đang bao phủ cuộc đời của bạn?



Hình ảnh có liên quan



Đức Phật đã dạy : nghiệp phân loại chúng sanh. Quả vậy, Nghiệp lực của chính chúng ta đã theo chúng ta suốt trong quá trình sanh tử luân hồi như hình với bóng. Không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh, không thể oán trách “số phận” của mình sao đen đủi hơn người khác và cũng không thể mang tư tưởng “hận đời” để rồi tự mình làm hại chính mình vì ngay khi có sự “tác hợp” của Cha và Mẹ thì nghiệp lực của chính chúng ta đã dẫn chúng ta “có mặt” ngay giây phút ấy. Cha Mẹ không “lựa chọn” và cũng không thể hoàn toàn muốn là có được đứa con theo ý của mình được mà chính “nghiệp lực ” của chúng ta đã đẩy chúng ta đến với Cha Mẹ đời này của chúng ta. Vì “nghiệp chung” nên dẫn dắt cùng chung sống với nhau trong một gia đình, dòng họ và đất nước nhưng mỗi một cá thể có “nghiệp riêng” nên không ai giống ai từ vẻ ngoài đến tính cách. Không một người Cha, bà Mẹ nào muốn mình sinh ra đứa con không tốt, ngỗ nghịch và bất hiếu cũng như không người con nào lại muốn Cha Mẹ ghét bỏ không thương yêu mình. Thế nhưng những điều không mong muốn vẫn xảy ra và điều bất hạnh ấy vẫn luôn tồn tại trong mọi xã hội. Tất cả là do chính chúng ta trong vòng sanh tử luân hồi đã gieo trồng những hành động tạo nghiệp trong quá khứ nên gặt những quả không ngọt đời sau.

Nếu các bạn là một trong những số phận ấy và nếu các bạn hiểu rõ quy luật Nhân-Quả, chắc chắn các bạn sẽ được khuây khỏa và vơi đi rất nhiều sự muộn phiền luôn đè nặng trong lòng. Hãy cất nhắc ra khỏi lòng mình tảng đá của sự đau khổ và tổn thương. Đó là cách tự thương và tự cứu lấy chính mình vì chỉ có chính ta mới đem lại cho ta sự hạnh phúc thảnh thơi. Tâm chúng ta tạo nghiệp và cũng chính tâm của chúng ta sẽ chuyển nghiệp của mình. Hãy để tâm tĩnh lặng bình thản với mọi diễn biến đến với mình, bạn sẽ đối diện với cuộc sống một cách ung dung tự tại và sẽ tự tìm thấy con đường để đi nhẹ nhàng vượt qua mọi trở ngại trên hành trình cuộc sống. Khi đã hiểu được không có đau khổ và hạnh phúc nào là không có nguyên nhân của nó, bạn sẽ hiểu mình sẽ làm gì ở hiện tại này đây để không những bạn sẽ có được hạnh phúc trong tương lai mà cả trong hiện tại này bạn đã vượt lên sự bất hạnh của chính mình để sống đẹp và có khi lại rạng ngời hơn so với bao hoàn cảnh tốt đẹp thuận lợi hơn mình.

Hình ảnh có liên quan



Truyền thống đạo đức phương Đông xem Đạo Hiếu là nền tảng và Đạo Phật cũng dạy chúng ta luôn lấy chữ Hiếu làm đầu. Cho nên mùa Vu Lan không chỉ dành riêng Tăng ni và Phật tử tại gia mà còn dành cho tất cả mỗi cá nhân tưởng nhớ về ơn nghĩa sinh thành và công dưỡng dục của cha mẹ cũng như của ông bà Cha Mẹ nhiều đời….và nhắc nhở chúng ta hãy luôn làm những điều lành tạo thiện phước hồi hướng về cửu huyền thất tổ để được siêu thoát hoặc được an lạc nơi nhàn cảnh; Nhất là tận tâm cung phụng Cha Mẹ trong hiện tại, hướng dẫn Cha Mẹ biết tự mình tạo thiện phước tức tự gieo phước lành để hưởng đời sau. Sự hiếu đễ khới phát từ tâm hiếu của người con đối với Cha Mẹ hàng ngày, hàng giờ và suốt cả đời chứ chẳng phải chỉ tập trung vào tháng 7 hàng năm khi Vu Lan về.

Mong rằng khi mỗi lần tiết trời đổ mưa ngâu, mùa Vu Lan về sẽ không còn những giọt nước mắt đắng cay tủi phận của những người con thiếu vắng tình yêu với Cha Mẹ; của các bậc sinh thành sống trong sự thờ ơ ghẻ lạnh của những người lỗi đạo làm con. Sẽ không còn những tiếng mưa lòng uất nghẹn khi nghĩ về Cha Mẹ giữa bầu trời mưa giăng tháng 7 mà thay vào đó là những đóa hoa tâm thơm ngát đạo làm con hiếu thuận trong luân thường.
ST

« Quay lại



© Copyright 2020 Phulongland.com, All right reserved
® Organize Vietnam Media & Trade Event
© Ghi rõ nguồn "Phulongland.com" khi phát hành lại thông tin từ website này.
® Cơ quan chủ quản: Tổ chức Sự kiện Truyền thông & Thương mại Việt Nam