Hotline: 0989.989.989    |   Liên hệ        
| 04/12/2018, 07:23 pm |

Nỗ lực tu học làm tâm sáng suốt.


Nỗ lực tu học làm tâm sáng suốt, thân được an. Đây là kết quả cần phải có với người thực hành theo đạo Phật. Có hiểu biết tức có được tri thức nhưng cần phải dụng công tu tập thì mới phát sinh ra trí tuệ, là có được giải thoát. Nơi nào có giải thoát thì nơi ấy có trí tuệ.

Cuộc đời đức Phật khi xuất gia đến khi nhập Niết Bàn. Ngài luôn luôn siêng năng, nỗ lực tu học, trải qua biết bao cám dỗ với muôn ngàn sắc thái ái dục khác nhau. Không thể nào làm cho tâm ngài dao động, dính mắc; chẳng những thế qua những gì trải nghiệm chứng ngộ được, ngài một lòng chỉ dạy chúng sanh nhận ra khổ và thực hành con đường thoát khổ. Thật xứng đáng cho chúng ta ngưỡng mộ, kính trọng tột bậc. Noi theo gương hạnh ngài đối với con đường tu học, lộ trình tiến tới giác ngộ, giải thoát được đúc kết với nhiều điểm tiêu biểu như sau:


 Hình ảnh có liên quan


 

1. Mộ đạo tu học không biết chán

Tu học cần có sự cố gắng tinh tiến, không sợ gian khó, nhờ khó khăn mới nỗ lực, còn dễ quá thì sinh ra biếng nhác. Nhà bác học thiên tài Darwin từng nói “Bác học không có nghĩa là ngừng học”. Có học thì mới hiểu biết chính chắn, khỏi phải tu sai lầm tránh được cái nạn “mình lầm và làm cho người lầm”. Hướng tới dùng Phật học dung thông thế học, so sánh đối chiếu để phơi bày sự sâu xa kỳ diệu của Phật pháp làm cho mọi người dễ dàng tin tưởng và tiếp nhận. Là người đệ tử Phật phải nhiệt tâm tu học vì an lạc và hạnh phúc cho chúng sanh. Ngài Hàn Sơn có làm bài thơ như sau:

“Hiểu biết không sống lâu

Hiểu biết không hết nghèo

Tại sao thích hiểu biết

Hiểu biết sẽ hơn người!

Trượng phu chữ không thông

Chẳng chốn nào an thân

Như Hoàng Liên giả tỏi

Quên mất vị đắng cay”.

Nỗ lực tu học làm tâm sáng suốt, thân được an. Đây là kết quả cần phải có với người thực hành theo đạo Phật. Có hiểu biết tức có được tri thức nhưng cần phải dụng công tu tập thì mới phát sinh ra trí tuệ, là có được giải thoát. Nơi nào có giải thoát thì nơi ấy có trí tuệ.

2. Có ý chí và lý tưởng

Dù trải qua những chướng duyên, nghịch cảnh, ngọn lửa giác ngộ giải thoát trong tâm chẳng hề thay đổi. “Một lòng giữ dạ kiên trì chẳng thay”.

Nếu có ý chí thì việc khó hóa ra dễ còn không có ý chí việc dễ trở thành khó. Người có ý chí và lý tưởng thì sớm muộn gì cũng đạt được bổn nguyện như ngài đại sư Ấn Thuận có dạy:

Núi cao ta trông

Đường rộng ta đi

Tuy chưa đến nơi

Lòng đã hướng về.

Một khi đã chọn con đường tu tập theo lộ trình giác ngộ giải thoát thì phải theo cho tới cùng, nhất nhất không thay đổi. Dù gặp phải muôn vàn thử thách, trăm đắng ngàn cay cũng không thể thay lòng thối chí.

Đãi cát ngã tìm vàng

Cưa cây để lấy lửa

Cố rèn lòng kiên nhẫn

Có chí sẽ thành công.

(Diệu lý Phương Đông – HT.Thích Giác Nhiên)

3. Sống tỉnh giác chánh niệm

Đối với hành giả tu học dù theo pháp môn nào đi chăng nữa! Điều tối ưu quan trọng là phải có được sự tỉnh giác. Nhờ tỉnh giác mới giữ được chánh niệm. Khi ta nhìn đóa hoa lan khoe sắc, nếu tỉnh giác thì biết mình hiện đang có mặt ngắm hoa, còn khơi ý niệm khen chê thì ta đã đánh mất chánh niệm rồi! Ấy là “loạn tưởng” đồng nghĩa đã đánh mất chính mình.

Dù tu có lâu đến bao nhiêu mà để mất tỉnh giác chánh niệm người đó chưa thực sự tu, muốn được thế phải hằng ngày sống trong tỉnh giác chánh niệm xóa tan đi mọi phiền não, hiện lộ chân tâm thanh tịnh, đó chính là Niết Bàn. Như trong Kinh pháp cú số 226, Đức Phật có dạy:

Những người thường giác tỉnh,

Ngày đêm siêng tu học,

Chuyên tâm hướng Niết bàn,

Mọi lậu hoặc được tiêu.


Hình ảnh có liên quan


4. Hoằng Pháp lợi sanh

Hoằng pháp lợi sanh phải mang đến lợi ích, hạnh phúc thực sự cho mình và chúng sanh xuất phát từ nơi vô ngã, không sở đắc, không sở cầu mới chính là chân thực tu. Muốn được thế ta cần có trí tuệ sáng soi, không mong cầu nổi tiếng với chức danh “Hoằng Pháp” làm dính mắc, chấp trước với đầu óc bận rộn “Hoằng Pháp” đến nỗi mê muội bất chấp tất cả, nên biết tu học đã khó mà hoằng pháp lại càng khó hơn. Phải có học có hiểu dụng tâm tu tập thì sự hoằng pháp mới được lâu dài. Con đường nỗ lực tu học, vun đắp bồi dưỡng trí tuệ có nhiều cách nhưng phương pháp thông thường và phổ biến nhất là “Nghe pháp hướng về chân tập”.

Do nghe, hiểu chánh pháp

Do nghe, ngăn điều ác

Do nghe, dứt vô nghĩa

Do nghe, được niết bàn.

(Kinh A Hàm)

Nghe rồi học tập nhận rõ chánh tà chân nguy để không lầm đường lạc lối, biết đâu là phương tiện, cái nào là cứu cách. Ngài Tôn Túc Đạo Nguyên có dạy:

“Học Phật thì người xuất gia làm căn bản, người tại gia làm phương tiện. Xuất gia là con đường cứu cánh, tại gia là con đường tùy thuận chúng sanh. Bởi vì chỉ có người lìa dục, xả tham, cắt dứt ân ái thì mới có thể siêu phàm nhập thánh thoát ly biển khổ trong sáu nẻo luân hồi. Nhưng người muốn lìa dục, xả tham, đoạn trừ ân ái thì cần phải từ bỏ thế tục, xuất gia một lòng vào đạo thì mới được”.

Tu học Phật pháp là con đường lâu dài và cái đích tiến tới còn xa thẳm, nhưng đích càng cao xa thì sự thành công càng tươi sáng rực rỡ. Điều quan trọng là phải nỗ lực cố gắng liên tục: “Tự mình thắp đuốc lên mà đi!”. Với nghị lực và sự quyết tâm không việc gì mà không thành tựu.

Một đường ta gắng bước đi

Dù cho gian khổ chuyện gì cũng cam

Đồng tâm quyết chí mà làm

Bể Đông cũng cạn, sơn Nam cũng mòn.

(Diệu lý Phương Đông – HT. Thích Giác Nhiên)

Văn Thành

« Quay lại



© Copyright 2020 Phulongland.com, All right reserved
® Organize Vietnam Media & Trade Event
© Ghi rõ nguồn "Phulongland.com" khi phát hành lại thông tin từ website này.
® Cơ quan chủ quản: Tổ chức Sự kiện Truyền thông & Thương mại Việt Nam