Hạnh phúc thay Đức Phật giáng sinh
Hạnh phúc thay giáo pháp cao minh
Hạnh phúc thay Tăng già hòa hợp
Hạnh phúc thay tứ chúng đồng tu
(Kinh Pháp cú phẩm Phật Đà 194)
Hạnh phúc thay có người gặp Phật pháp, hạnh phúc thay có người hiểu Chánh pháp, hạnh phúc thay có người hành trì giáo pháp. Chính con người đang bước trên con đường cao thượng này sẽ là một tấm gương đẹp nhất, sáng nhất để phản chiếu cho tất cả muôn loài nương theo đặng cầu được bình an và hướng đến sự giải thoát.
Mọi người trong chúng ta, ai cũng thích sự đẹp đẽ nhưng theo định luật vô thường thì nét đẹp bên ngoài sẽ có ngày biến hoại và trở nên hư xấu. Chỉ có vẻ đẹp ẩn chứa bên trong mới có thể tồn tại mãi mãi; đó chính là tình thương, lòng vị tha được hình thành từ sự tu tập và huân bồi của nội tâm cao đẹp. Ví như một cây cao lớn xanh tươi, hoa thơm quả ngọt, có được như vậy là nhờ có bộ rễ của cây bám sâu vào lòng đất để tìm nước và các chất dinh dưỡng.
Cũng vậy, một con người cao quý phải có một tâm hồn trong sáng, một nhân cách cao thượng; vị đó luôn nhìn lại nội tâm mình để nhận ra và phát triển những phẩm chất tốt đẹp có trong bản thân và luôn luôn nhìn nhận, đánh giá những giá trị thích hợp ở bên ngoài để nuôi dưỡng tâm hồn theo mục đích hướng thiện, hướng thượng.
Chúng ta có đầy đủ lục căn, với một thân thể khỏe mạnh; so với nhiều người khuyết tật thì chúng ta hạnh phúc biết bao. Tuy nhiên, để hình tướng được đẹp hơn, sáng sủa hơn mỗi khi chúng ta nhìn vào gương thì chúng ta cần vun bồi một tâm hồn cao đẹp bằng cách chúng ta dùng thân xác này để mang lại nhiều lợi ích cho chúng sanh, giúp đỡ những tâm hồn chưa được đẹp, còn chất chứa nhiều não phiền; trở nên tốt đẹp hơn. Có như thế, vẻ đẹp nội tại, phẩm chất bên trong của mỗi người sẽ được mọi người kính mến, quý trọng, nâng niu. Lúc ấy, ta sẽ không cho mình là tốt đẹp nhất mà đơn giản mong muốn chỉ là một cây cổ thụ che mát bóng mát, là nơi nương tựa của tất cả muôn loài.
Tất cả mọi người, ai ai cũng cần phải rèn luyện, sửa đổi bản thân cho hoàn thiện, tốt đẹp hơn cả về thân thể và tâm hồn; cũng như nhân cách và trí tuệ của mỗi cá nhân cần được trau chuốt, gọt đẽo cho thật thuần thục, sáng trong, cao quý. Để mỗi khi ta đứng trước gương nhìn vào chính mình mà không cảm thấy hổ thẹn hình tướng đang mang trên mình. Thân tướng này là hư hay thực, ảo hay mộng,….tất cả đều được phản hiện trong gương, hoặc họa chăng chính là tấm gương phản chiếu trong lương tâm mỗi người.
Tâm Khai
Chùa hoàng Pháp