Các cặp vợ chồng sau khi kết hôn thường khó thích ứng với nhau vì thói quen sống, sở thích khác nhau. Làm thế nào để dung hòa hai cá tính trái ngược đây?
Lúc đầu, có lẽ mỗi người đều từng hy vọng rằng đối phương có thể thay đổi ít nhiều để nhịp sống của hai bên hòa hợp hơn. Nhưng khi ở cùng càng lâu, nếu tình hình vẫn không cải thiện thì rất có thể những kỳ vọng ấy sẽ trở thành thất vọng, thậm chí là thù địch. Khi mối quan hệ hôn nhân mất đi sự gắn kết và nhượng bộ, thiếu đi cảm giác ấm áp và bao dung, đôi bên dễ dàng rơi vào trạng thái cảnh giác, đề phòng. Và khi ấy, biết bao câu hỏi hiện lên trong đầu mỗi người: “Không hiểu sao lúc đầu mình lại chịu lấy anh ta?”, “Nếu biết thế, từ đầu mình đã không cưới cô ta rồi!”.
Nhưng suy nghĩ một cách thấu đáo, hôn nhân rốt cuộc là gì? Không phải là hai người có thể cùng nhau sống những ngày tháng vui vẻ, hạnh phúc, sướng khổ vui buồn có nhau hay sao? Nhưng để có được hôn nhân mĩ mãn, lẽ nào ta bằng mọi giá ép nửa còn lại phải thay đổi, hợp tác vô điều kiện còn bản thân mình thì không chịu nhường bước, nhẫn nhịn chăng? Rốt cuộc, ta mong muốn gì trong cuộc hôn nhân xem chừng khá mệt mỏi này đây?
Điều mà người phụ nữ cần có lẽ là
sự quan tâm, thấu hiểu. Điều mà người đàn ông cần ấy là sự tôn trọng.
Nhưng suy cho cùng, cả hai đều hy vọng được yêu thương, được xem trọng,
càng không muốn bị chê trách, bị kiểm soát. Nhưng khi cảm thấy đối
phương không được như ta mong đợi, ta trở nên hờ hững, lạnh nhạt. Vậy
thì cuộc hôn nhân ấy rất có thể sẽ chỉ là “sớm nở tối tàn” mà thôi.
Trong hôn nhân hay trong bất kỳ một mối quan hệ nào, muốn đối phương thay đổi thì phải tự mình làm trước. Chỉ bằng cách thay đổi bản thân mình trước, chúng ta mới có thể thay đổi năng lượng trong mối quan hệ ấy, từ đó để đối phương cảm nhận, điều chỉnh và thay đổi từ sâu trong tâm. Giữa người với người, có những mối gắn kết đan xen không thể tách rời, chúng luôn ảnh hưởng, tác động qua lại với nhau. Khi bạn thay đổi thái độ, hành vi và phương thức của mình, đối phương cũng có thể tự cảm nhận được, cũng sẽ tự động làm theo, dung hòa theo.
Hỡi những cặp vợ chồng đang nghĩ đến ý
định ly hôn, hôn nhân không phải là trò chơi, nói bỏ là bỏ, nói đi là
đi! Hôn nhân là duyên phận nghìn đời, là nhân quả từ những kiếp trước.
Vợ chồng có lẽ cũng là một thứ nợ nần của nhau. Khi đã chấp nhận ký vào
tờ giấy kết hôn, khi đã chấp nhận đeo lên ngón áp út của người vợ, người
chồng mình chiếc nhẫn thủy chung, thì xin bạn hãy cố gắng nhiều hơn một
chút để giữ gìn cuộc hôn phối hạnh phúc.
Có người nói hôn nhân là gánh nặng, là
mồ chôn của tình yêu. Không phải, hôn nhân là một sự chia sẻ, một sự
phối hợp đúng nghĩa của hai người. Chúng ta phối hợp với nhau để gây
dựng một tổ ấm, phối hợp chăm sóc dạy dỗ con cái và phối hợp để duy trì
một nền tảng đạo đức, luân lý xã hội. Mỗi gia đình hạnh phúc sẽ khiến cả
xã hội hạnh phúc.
Đừng nghĩ rằng chỉ ta chịu thiệt, còn người vợ người chồng của mình lúc nào cũng ích kỷ không thể hiểu nổi. Nếu muốn người khác hiểu mình, cảm thông cho những nỗi đau, nỗi khó xử của mình, trước tiên hãy học cách đồng cảm với họ, thấu hiểu họ và cư xử dịu dàng với họ.
Nếu bạn muốn đối phương bớt chỉ trích và bao dung hơn, thế thì trước tiên hãy cố gắng cho đi nhiều hơn, kiên nhẫn nhiều hơn, quan tâm nhiều hơn.
Nếu bạn muốn đối phương thay đổi, trước tiên hãy tự thay đổi chính mình!
Thuận An
Theo Epochtimes