Hotline: 0989.989.989    |   Liên hệ        
| 05/02/2020, 06:28 pm |

Chuyên gia lo ngại virus corona thành 'đại dịch'


NYTimes dẫn nhận định của các chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm hàng đầu thế giới cho rằng khả năng chủng virus corona mới (nCoV) bắt nguồn từ Trung Quốc, trở thành đại dịch lan rộng khắp thế giới là rất đáng lo ngại.




Kết quả hình ảnh cho vũ hán"


Đại dịch được định nghĩa là dịch bệnh đang diễn ra ở hai hoặc nhiều lục địa. Đại dịch nCoV nếu xảy ra có thể gây những tác động toàn cầu, bất chấp các hạn chế đi lại và những biện pháp kiểm soát dịch được Trung Quốc và các nước khác thực hiện.

Tuy nhiên, các nhà khoa học chưa biết rõ khả năng gây chết người của nCoV, nên chưa thể chắc chắn về mức độ thiệt hại mà đại dịch như vậy có thể gây ra. Tuy nhiên, ngày càng nhiều chuyên gia nhất trí rằng nCoV có khả năng lây truyền từ người sang người.

Virus này có tính lây truyền cao giống virus cúm hơn là những họ hàng phát tán chậm hơn của nó như SARS và MERS, theo các nhà khoa học.

"Nó rất dễ lây lan và gần như chắc chắn sẽ trở thành đại dịch. Tuy nhiên, nó có trở thành thảm họa hay không thì tôi không dám chắc", Anthony S. Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, cho biết.

Hôm nay, số người tử vong vì dịch viêm phổi cấp do virus corona đã tăng lên 492, trong đó 490 người ở Trung Quốc đại lục, số ca nhiễm bệnh tăng lên 24.551. Dịch đã lan ra 31 tỉnh thành Trung Quốc và 26 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tốc độ lây lan của nCoV không nhanh như cúm hay sởi, song số trường hợp nhiễm bệnh đã vượt xa SARS và MERS. Dịch SARS bùng phát trong 9 tháng từ năm 2002 và lây lan sang hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ, song chỉ có 8.098 trường hợp nhiễm bệnh được ghi nhận. Số ca mắc dịch MERS cũng chỉ có khoảng 2.500 người.


Kết quả hình ảnh cho vũ hán"


Các chuyên gia cho biết họ chưa thể chắc chắn sẽ có bao nhiêu người chết vì nCoV. Khoảng 10% người nhiễm SARS tử vong, trong khi tỷ lệ gây chết người của MERS là 35%. Dịch cúm Ban Nha năm 1918 chỉ giết chết khoảng 2,5% số người nhiễm bệnh, song nó lây nhiễm sang rất nhiều người, dẫn tới 20-50 triệu ca tử vong.

Tỷ lệ tử vong đối với các trường hợp nhiễm nCoV đang trong khoảng 2% và có khả năng giảm thêm vì nhiều xét nghiệm đã được thực hiện và các trường hợp nhiễm bệnh mức độ nhẹ cũng được tìm thấy.

Rất khó để ước tính về mức độ gây tử vong của virus nếu không thực hiện các nghiên cứu như xét nghiệm máu để xem có bao nhiêu người có kháng thể, nghiên cứu hộ gia đình để tìm hiểu mức độ lây nhiễm giữa các thành viên và xác định mức độ nguy hiểm của chủng virus.


Chuyên gia nhận định đóng cửa biên giới không phải là biện pháp tốt nhất để xử lý mầm bệnh có khả năng truyền nhiễm cao bởi vì chúng đều có "lỗ hổng". Tuy nhiên họ cho rằng đóng cửa biên giới kết hợp với sàng lọc nghiêm ngặt có thể làm giảm tốc độ lây lan, tạo thời gian để tìm ra các phương pháp điều trị bệnh.

Ảnh hưởng của đại dịch ở các quốc gia khác nhau cũng sẽ có nhiều khác biệt. Trong khi Mỹ và các nước phát triển có thể dễ dàng phát hiện và cách ly những người mang bệnh, các quốc gia đang phát triển cũng như có hệ thống chăm sóc sức khỏe kém hơn khó có thể làm được như vậy.

William Schaffner, chuyên gia y tế dự phòng tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt, nhận định nCoV sẽ không lan rộng ở các quốc gia có hệ thống y tế tiên tiến và mạnh mẽ.

"Các bác sĩ ở Mỹ đều nâng cao cảnh giác về dịch. Bất kỳ bệnh nhân nào bị sốt hoặc có vấn đề về hô hấp, bác sĩ sẽ hỏi 'Bạn từng đến Trung Quốc chưa? Bạn có tiếp xúc với ai ở Trung Quốc không?'. Nếu câu trả lời là 'Có', họ sẽ bị cách ly ngay lập tức", Schaffner nói.

Các chuyên gia cho biết châu Phi có nhiều khả năng bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ nCoV. Hiện có hơn một triệu người Trung Quốc làm việc trong các dự án khai thác và kỹ thuật tại khu vực này, trong khi nhiều người châu Phi cũng đang làm việc và học tập tại Trung Quốc và nhiều quốc gia đã phát hiện người nhiễm virus.

"Nếu bây giờ có ai ở lục địa này nhiễm virus, tôi không chắc các hệ thống chẩn đoán có thể phát hiện ra", Daniel Bausch, người đứng đầu các chương trình khoa học của Hiệp hội Y học Nhiệt đới và Vệ sinh Mỹ, hiện đang tư vấn cho WHO về sự bùng phát của dịch viêm phổi cấp, nhận định.

Nhiều chuyên gia lo ngại với số ca nhiễm bệnh ngày càng tăng, nCoV có thể khiến rất nhiều người thiệt mạng. "Dịch này có tốc độ lây lan giống H1N1 hơn là SARS và tôi ngày càng lo lắng. Kể cả khi tỷ lệ tử vong chỉ ở mức 1%, vẫn có khoảng 10.000 người sẽ chết nếu có một triệu ca nhiễm", Peter Piot, giám đốc Trường Y học Nhiệt đới London, nhận định.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia có cái nhìn tích cực và đánh giá cẩn trọng hơn về nCoV. Michael Ryan, người đứng đầu cơ quan phụ trách các phản ứng khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nói rằng đã có bằng chứng cho thấy nCoV có thể bị ngăn chặn và thế giới cần tiếp tục nỗ lực chống dịch.

Có nhiều nhà khoa học cũng nhận định nCoV có thể dần biến mất khi thời tiết ấm lên. Nhiều loại virus gây cúm, sởi đều phát triển mạnh mẽ trong điều kiện thời tiết lạnh và khô. Sự bùng phát của dịch SARS cũng bắt đầu vào mùa đông và quá trình truyền nhiễm MERS cũng đạt đến đỉnh điểm khi đó.


Kết quả hình ảnh cho vũ hán"


Theo các nghiên cứu mới được công bố, người nhiễm virus corona có thể truyền bệnh trước khi họ xuất hiện các triệu chứng. Nhiều nhà khoa học cho rằng điều này sẽ khiến quá trình sàng lọc khó khăn hơn. Tuy nhiên, "những người mắc bệnh không có triệu chứng thường không phải là nguyên nhân chính gây ra dịch bệnh", Fauci nhận định.

Tại Trung Quốc, một số loại thuốc chống virus corona đang được nghiên cứu, trong khi Mỹ cũng sử dụng thuốc remdesivir do Gilead Sciences phát triển để điều trị trường hợp nhiễm bệnh. Nhiều công ty Mỹ cũng đã bắt tay vào nghiên cứu vắc-xin chống nCoV.

Kỹ thuật hiện đại ngày nay có thể giúp các nhà khoa học nhanh chóng tìm ra vắc-xin, nhưng đạo đức y học yêu cầu họ phải thử nghiệm cẩn thận trên động vật và một số lượng nhỏ người khỏe mạnh để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Quá trình này không thể thúc ép tăng tốc, bởi các tác dụng phụ nguy hiểm có thể xuất hiện sau một khoảng thời gian nhất định và hệ thống miễn dịch của con người cũng cần thời gian để tạo ra các kháng thể để cho thấy vắc-xin có hiệu quả hay không.

Các thử nghiệm ở Trung Quốc có được chấp nhận ở nơi khác hay không sẽ tùy thuộc vào mức độ nghiêm ngặt của các bác sĩ nước này khi thực hiện các thử nghiệm lâm sàng. "Tất cả đều phải cung cấp dữ liệu", Schaffner nói.

Ngọc Ánh (Theo New York Times)

« Quay lại



© Copyright 2020 Phulongland.com, All right reserved
® Organize Vietnam Media & Trade Event
© Ghi rõ nguồn "Phulongland.com" khi phát hành lại thông tin từ website này.
® Cơ quan chủ quản: Tổ chức Sự kiện Truyền thông & Thương mại Việt Nam