Thành thực với chính mình
Rất có thể không ai hiểu được mình bằng mình nên phải
dành thời gian dù rất ngắn để thành thật với bản thân: thành thật thấy lỗi,
thành thật sẻ chia và thành thật sửa chữa… Hãy cứ sống đúng với tính cách của
mình, bởi một người yêu quý bạn là khi họ yêu tâm hồn bạn chứ không phải họ yêu
cái vỏ rỗng tuếch bên ngoài. Bạn cảm thấy mình có lỗi với người khác?
Sao bạn
không mạnh dạn thú thật những gì sai trái do mình gây ra. Sao không mạnh dạn
nhìn vào chính mình, lắng nghe tiếng nói từ bên trong để thấy lòng người không
khép chặt bao giờ. “Đánh kẻ chạy đi, không đánh kẻ chạy lại”. Trong mỗi người đều
có lòng trắc ẩn, từ bi độ lượng “thương người như thể thương thân” và cái giận
chắc chắn sẽ phai dần, nó cũng lụi tàn bởi nụ cười tha thứ.
Cũng có thể, mỗi
ngày bạn đeo cho mình một chiếc mặt nạ. Bạn phải cười, phải nói, phải biết buồn
khổ khi trò đời bắt bạn phải thế. Điều ấy bạn có tự lừa dối mình? Có lý nào bạn
lại sống với những phiền muộn chính mình? Thật khó phải không! Đành rằng,
cuộc sống là đối đãi, có qua có lại, sự tương tác giữa tự và tha. Bạn có nghĩ đến
thời cảnh người thân phát hiện những gì bạn đem đến cho họ là những lọc lừa,
mánh khóe, vụ lợi, đạo đức giả.
Hãy thật lòng với chính mình đi bạn để xem mình đã làm những gì tốt-xấu thật-giả. Nếu được, bắt đầu cho một ngày mới, bạn hãy dành thời gian cho thiền định để quán sát chính mình, biết cảm thông. Các thầy có ngày Tự tứ, với bạn cũng có ngày sám hối cho bản thân mình để hy vọng tìm thấy Phật ở trong ta.
Gạt bỏ chấp trước
Hãy tin mình đã làm đúng với một tâm chân thật dù nhận biết
bao lời chỉ trích phê phán, bao cặp mắt soi mói chê bai. Thật ra ý kiến này ý
kiến kia chẳng quan trọng bởi không ai hiểu mình bằng mình, mà chấp kiến làm gì
để phải ưu tư để phải ràng buộc?
Với một lời nói thật lòng nhưng người nghe hiểu
khác đi thì bạn cũng đừng bận lòng. Những lời cay nghiệt ấy có thể làm mình nhận
ra thêm ý nghĩa cuộc đời. Thoải mái, xem như không và cười xem chẳng hề dính mắc
chuyện đâu đâu. Với đó, bạn cũng đừng mang chiếc bè đã đưa mình qua sông theo
suốt lộ trình cuộc đời. Để nó lại bên bờ sông và quên nó đi, biết đâu sẽ có người
gặp hoàn cảnh như mình chắc sẽ đồng cảm thôi.
Đừng thắc mắc mà phải hỏi lại
mình: Tại sao? Cũng như một quyển sách hay, bạn đọc rồi chẳng lẽ đem đốt hết? Cứ
tưởng tượng, ngày nào bạn cũng sống trong những lời khen ngon ngọt thì cảm thấy
thế nào? Có thể hồn bạn bay bổng, ôm lời khen kia đằng vân chu du nơi này nơi nọ
rồi chẳng biết đường về nhà không chừng!
Đừng mắc nợ
Thật ra chẳng bao giờ mình trả hết nợ. Đã mang thân này nghiệp này tất nhiên phải gánh gồng bao nhiêu nợ dù biết cái thân chỉ là duyên hợp tứ đại và vô thường trong sinh trụ hoại diệt. Ơn Tam bảo, cha mẹ, thầy tổ, bạn bè, quốc gia… nhiều nhiều nữa kể cả những gì trụ sẵn ở tự nhiên. Cái nợ nó hiển hiện sờ sờ ra đó như tiền bạc vay mượn nhưng cũng có cái nợ mình chẳng nắm bắt sờ mó được như không khí để thở, không thấy mà thấy, mình cũng phải trả bằng cách giữ bầu không khí cho sạch trong, thực hành bằng không vứt rác bừa bãi chẳng hạn…
Để trả hết nợ có nghĩa đừng thêm tạo nợ. Với đời sống thường, tôi vay thì tôi phải trả; trả một cách dứt khoát không dây dưa ù lì khất hẹn dù đó là một lời buột miệng hứa suông cho vui. Sống trong tỉnh thức để thấy rõ lời miệng buông ra chẳng phải chuyện đùa, việc làm có ích cũng chẳng thừa. Nếu không trả nợ được thì chấp nhận mang ơn, canh cánh bên lòng, mất ăn mất ngủ mong sớm mai sau trả được nợ này mới mong rốt ráo nhận ra sợi dây thừng không là con rắn, nó chỉ là nhiều sợi gai bện lại dù biết rằng con rắn cũng có mà sợi dây thừng cũng có, vấn đề ở chỗ con rắn không là sợi dây thừng.
Mình chấp nhận những ràng buộc để tìm biện pháp gỡ rối nó ra, nôm na riêng tôi lại gọi là “chân kiến” là “chánh hạnh”. Thật khó, kiếp này không trả được thì hẹn kiếp sau vậy. Nói chung, sống đừng để mắc nợ là tốt nhất!
Giúp đỡ kẻ khác khi họ cần đến mình
Thật hạnh phúc khi giúp được kẻ đang thật sự cần mình
giúp đỡ. Khi được như vậy, mình thật là hạnh phúc và được người khác quý mến.
Cuộc sống có muôn vàn nghịch cảnh, kể cả nghịch cảnh được ví von “nhà giàu đứt
tay, ăn mày đổ ruột”!
Cứ thong dong chẳng nghĩ ngợi gì và lòng cũng chẳng nên chao đảo dù biết một phần chín mươi, một niệm sinh ra ngàn biến tướng cách nghĩ cách làm. Đời đối đãi cứ mặc đối đãi, một chiêu bài không văn tự. Khi được nghe khen cũng không lấy làm hãnh diện, phình nở cái ta và cũng không ngồi đợi người ơn huệ lại mình. Vỗ tay xem như “không đã là” mà thật sự mình “đã là”, và khi “đã là” rồi thì xem như “không đã là”!
Nói thì nói vậy, không dễ! Đạo Phật chủ trương vô ngã nhưng nhìn quanh mình lại thấy không ít cảnh cầu, hữu ngã! Mà cớ chi, đã làm một việc thiện rồi mà sao cứ nhắc đi nhắc lại “tôi đã”?
Có việc làm mỗi ngày theo khả năng của mình
“Ăn không ngồi rồi” quả là một tệ hại, hệ quả là không những mình chịu khổ mà để những người khác chịu khổ lây. Hãy tìm cho mình một việc làm chí ít cũng mang lợi cho mình như đọc sách, chăm sóc vườn hoa, học thêm ngoại ngữ… và cũng không ngồi “há miệng chờ sung”. Tại sao mình không chịu hiểu rằng quanh mình biết bao nhiêu người đang cần thời gian để sống tốt? Sống buông thả đồng nghĩa với đánh mất mình. Khi ấy, cõi vô minh bao trùm khó mà thoát khỏi của đau khổ hệ luỵ phiền não trược trầm.