* Bản tin cập nhật lúc 10h ngày 22-4
Hành khách bay hằng ngày ở Trung Quốc tăng 7,9% vào tháng 4
Cơ quan quản lý hàng không ngày 22-4 thông báo số hành khách của ngành đã tăng 7,9% tính từ tháng 3 đến ngày 21-4. Tuy nhiên, số hành khách của hàng không Trung Quốc hiện vẫn chỉ ở mức 29% so với một năm trước đó.
Số chuyến bay hàng ngày của Trung Quốc cũng tăng 1% trong tháng 4 so với tháng 3, nhưng chỉ bằng 41,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tây Ban Nha, Hà Lan nới lỏng phong tỏa cho trẻ em
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte ngày 21-4 thông báo nước này sẽ mở cửa trở lại các trường tiểu học và mầm non từ ngày 11-5, song vẫn duy trì các biện pháp phòng chống dịch khác.
Mặc dù được mở cửa trở lại, nhưng các trường tiểu học tại Hà Lan đảm bảo thực hiện các quy định giãn cách xã hội, theo đó trẻ em chỉ đi học nửa ngày và thời gian còn lại học trực tuyến. Học sinh cấp 2 sẽ đi học trở lại từ ngày 1-6.
Cũng trong thông báo, ông Mark Rutte cho biết lệnh đóng cửa các nhà hàng, quán cà phê và câu lạc bộ sẽ tiếp tục kéo dài thêm 3 tuần, tức đến ngày 19-5. Trong khi đó, lệnh cấm tụ họp đông người sẽ có hiệu lực cho đến ngày 1-9.
Hà Lan hiện ghi nhận tổng cộng 3.916 ca tử vong do COVID-19 và 34.134 ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện số ca nhập viện điều trị đang giảm dần.
Tại Tây Ban Nha, từ cuối
tuần này, trẻ em dưới 14 tuổi sẽ được đi ra ngoài tham gia các hoạt
động thông thường như mua sắm, đi dạo... sau 6 tuần liên tục thực hiện
giãn cách xã hội buộc phải ở trong nhà theo chỉ dẫn y tế phòng chống
dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Tây
Ban Nha là nước chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 đứng thứ 3 thế
giới sau Mỹ và Ý. Các biện pháp hạn chế đối với trẻ em tại Tây Ban Nha
cho đến nay là nghiêm ngặt nhất châu Âu. Do đó, chính phủ nước này chịu
nhiều sức ép từ các bác sĩ nhi khoa và giới chức trong khu vực về việc
cho phép trẻ em ra ngoài, cảnh báo các biện pháp hạn chế có thể gây nguy
cơ về sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ nhỏ.
Việt Nam ngày thứ 6 không có ca nhiễm mới
Theo cập nhật lúc 6h sáng 22-4 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, sáng nay Việt Nam tiếp tục không có ca nhiễm mới, tổng ca nhiễm cả nước hiện vẫn là 268, trong đó 216 ca đã ra viện.
Đây là ngày thứ 6 liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong số các ca còn đang điều trị, nhiều trường hợp đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 từ 1-2 lần.
Dự kiến trong hôm nay sẽ có 20 trường hợp được công bố khỏi bệnh và ra viện.
Nguồn: Bộ Y tế
Mỹ ghi nhận thêm 2.765 ca tử vong trong 1 ngày
Trong 24 giờ qua, Mỹ đã ghi nhận 25.193 ca nhiễm mới và thêm 2.765 ca tử vong, đưa tổng số ca nhiễm và tử vong cả nước lên tương ứng 817.952 ca và 45.279 ca.
Thống đốc bang New York Andrew Cuomo ngày 21-4 cho biết Tổng thống Donald Trump đã đồng ý nhờ chính phủ liên bang hỗ trợ mua các thuốc thử hóa học và các vật tư khác cần thiết để New York tăng gấp đôi năng lực xét nghiệm virus corona, theo Reuters.
Châu Âu tiếp
tục là "điểm nóng" của dịch COVID-19 hiện nay. Tổng số ca nhiễm mới tại
các nước có diễn biến dịch bệnh nghiêm trọng như Nga, Anh, Pháp, Ý, Tây
Ban Nha, Hà Lan vẫn tăng gần con số 20.000 ca.
Cụ thể,
trong 24 giờ qua, Nga là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất châu
Âu (5.642 ca). Tiếp sau đó là Thổ Nhĩ Kỳ (+4.611 ca), Anh (+4.301 ca),
Tây Ban Nha (+3.968 ca), Ý (+2.729 ca), Pháp (+2.667 ca), Hà Lan (+ 729
ca).
Trong khi đó, Anh ghi nhận số ca tử vong cao nhất
tại châu Âu trong 24 giờ qua, 828 ca. Hiện tổng số ca tử vong do
COVID-19 tại Anh là 17.337 ca, đứng sau Ý (24.648 ca), Tây Ban Nha
(21.282 ca), Pháp (20.796 ca).
Tại Trung Đông,
Saudi Arabia đang là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19
với tổng số ca nhiễm là 11.631 ca, trong đó có 1.147 ca tử vong. Trong
24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 1.147 ca dương tính với virus
SARS-CoV-2 và 6 ca tử vong.
Mexico đã có hơn 9.000 ca nhiễm
Bộ Y tế Mexico cho biết nước này đã ghi nhận hơn 700 ca nhiễm mới và 145 ca tử vong vì COVID-19 trong ngày 21-4, nâng tổng số ca nhiễm toàn quốc lên 9.501 ca và 857 ca tử vong.
Trong khi đó, Bộ Y tế Panama ngày 21-4 cho biết nước này có thêm 162 ca nhiễm mới, nâng tổng số người mắc COVID-19 lên 4.821 trường hợp và 141 ca tử vong, theo Reuters.
Trung Quốc sáng 22-4 công bố thêm 30 ca nhiễm mới, với 23 ca trong số này là các ca nhập khẩu có liên quan đến những người du lịch từ nước ngoài, tăng 11 ca so với ngày trước đó. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc sáng 22-4 cho biết số bệnh nhân không triệu chứng mới của nước này cũng tăng lên 42 ca so với 37 ca của ngày trước đó.
Tổng số ca COVID-19 tại Trung Quốc đại lục cho đến nay là 82.788 ca, số người qua đời vì dịch bệnh này vẫn không đổi và vẫn là 4.632 người, theo Reuters.
Tỉnh Nagasaki, Nhật Bản ngày 22-4 ghi nhận 33 ca nhiễm mới từ một du thuyền Ý đang đậu lại để sửa chữa. Chính quyền Nagasaki cho biết sẽ thực hiện thêm xét nghiệm với các thành viên thủy thủ đoàn khác.
Theo Thống đốc Nagasaki Hodo Nakamura, những người nhận xét nghiệm dương tính nhưng không có triệu chứng sẽ được giữ trên tàu để giám sát, trong khi những người còn lại sẽ được chuyển đến nơi điều trị. Những người âm tính với virus sẽ được phép về nước.
Truyền thông địa phương cho biết con tàu Costa Atlantica này chở theo 623 thủy thủ đoàn và không có hành khách.
Mỹ hơn 45.000 ca tử vong, ông Trump tạm cấm nhập cư trong 60 ngày
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 21-4 cho biết ông sẽ tạm cấm nhập cư đối với những người tìm kiếm thẻ xanh (thường trú nhân) của nước Mỹ trong vòng 60 ngày để bảo vệ việc làm của người dân Mỹ.
Đây là lần đầu tiên ông Trump thông báo chi tiết hơn sau tuyên bố mơ hồ tối 20-4 về việc cấm nhập cư trong bối cảnh số ca tử vong của Mỹ đã vượt quá 45.000 người, theo hãng tin Reuters.
Chỉ riêng trong ngày 21-4, số người bị bệnh COVID-19 ở Mỹ đã tăng thêm hơn 2.600 người và có một số bang chưa cập nhật số liệu COVID-19. Tính đến sáng 22-4 (theo giờ Việt Nam), Mỹ đã ghi nhận 816.385 ca nhiễm virus corona chủng mới, 45.174 ca tử vong và 82.693 ca hồi phục, theo trang worldometers.info.
Trong một diễn biến liên quan, ông Trump ngày 21-4 hoan nghênh thỏa thuận vừa đạt được giữa các nghị sĩ đảng Cộng hòa và Dân chủ nhằm cung cấp thêm hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và những tổ chức khác trong cuộc chiến chống COVID-19.
Trước đó, cũng trong ngày, Thượng viện Mỹ đã thông qua gói cứu trợ khẩn cấp trị giá 480 tỉ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ đang tổn thất nặng vì dịch bệnh, tài trợ thêm cho các bệnh viện và dùng để tăng cường quy mô xét nghiệm virus trên toàn quốc, theo hãng tin AFP.
Đây là khoản cứu trợ lớn mới nhất của chính phủ nhằm thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh các biện pháp ngăn chặn dịch lây lan đã khiến các doanh nghiệp bị ảnh hưởng và 22 triệu người mất việc.
Nhân
viên y tế và lính cứu hỏa đưa một bệnh nhân COVID-19 lên xe cấp cứu tại
Trung tâm Y tế West Revere ở Revere, Massachusetts, Mỹ ngày 21-4-2020 -
Ảnh: REUTERS
8/10 người chết vì COVID-19 ở Quebec là tại các viện dưỡng lão
Các quan chức tại Quebec, tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nặng nhất Canada, ngày 21-4 tiết lộ hơn 8/10 ca tử vong vì dịch bệnh này xảy ra tại các viện dưỡng lão.
Hãng tin AFP cho biết con số này được đưa ra sau làn sóng phản đối của công chúng trước việc một viện dưỡng lão ở ngoại ô Montreal có tới 31 người chết trong vài tuần khi các nhân viên của viện này bỏ đi.
Theo đó, trong 1.041 ca tử vong vì COVID-19 tại Quebec cho đến nay, có 850 ca là những người lớn tuổi ở các viện dưỡng lão. Với hơn 20.000 ca nhiễm virus và hơn 1.000 ca tử vong vì COVID-19, tỉnh Quebec đã chiếm hơn nửa trong tổng 37.000 ca nhiễm và 1.700 ca tử vong vì COVID-19 của Canada.
Số ca ở Ý giảm ngày thứ 2 liên tiếp
Cơ
quan Bảo vệ Dân sự Ý ngày 21-4 cho biết nước này ghi nhận thêm 2.729 ca
nhiễm mới và 534 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm toàn quốc lên
183.957 ca và 24.648 ca tử vong. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp Ý ghi nhận
số bệnh nhân mắc COVID-19 giảm.
Trong khi đó, Tây Ban
Nha ngày 21-4 có thêm 3.968 ca nhiễm và 430 ca tử vong. Tổng số bệnh
nhân mắc COVID-19 tại nước này là 204.178 ca và 21.282 bệnh nhân đã qua
đời vì dịch bệnh này, theo trang worldometers.info.