“Nhân tâm sinh nhất niệm, thiên địa tận giai tri”, con người hễ sinh một niệm, trời đất đều biết tường tận. Thiện niệm và ác niệm, nói ra thì chỉ sai khác một chữ, nhưng vận mệnh của con người ta lại theo đó mà khác biệt như trời với đất vậy.
Người xưa tin rằng, số mệnh của con người là do Trời định, an bài theo những lựa chọn khác nhau tại những thời khắc mấu chốt trong cuộc đời người đó. Bởi vậy con người làm bất cứ việc gì thì đều là làm cho sinh mệnh của chính mình, thiện ác có báo là thiên lý. Khi một người làm một việc thiện, giúp đỡ người khác, thì thuận theo vòng xoay nhân quả, người đó cũng sẽ được phúc báo, hoặc khi họa nạn đến thì “hữu kinh vô hiểm”. Ngược lại, khi một người làm việc ác hại người, dẫu nhỏ thì người ấy cuối cùng cũng nhận phải ác báo.
Trong cuốn “Nghĩa cái truyền kỳ” có một ghi chép như sau: Vào những năm Ung Chính thời nhà Thanh, có một người đàn ông thật thà và tốt bụng, tên là Lâm Đăng Chương ở Gia Nghĩa, Đài Loan, không may bị vu khống và lâm vào cảnh tù đày. Để giải cứu chồng, vợ của Lâm Đăng Chương đã bán hết toàn bộ gia sản, nhưng vẫn không gom đủ tiền, đành phải bán cả con trai. Cô mang theo ngân lượng tới nha môn nhưng vô tình đánh rơi dọc đường. Một người tàn tật tên là Từ Lương Tứ nhặt được. Người này bị tật ở chân, phải lết bằng tay xin ăn dọc đường sống qua ngày.
Lúc đó Từ Lương Tứ nghĩ rằng mất số bạc nhiều như vậy thì có thể chủ nhân sẽ tự tử, nên nhất quyết không làm chuyện thất đức, mà ngồi lại đợi người đánh mất bạc. Một lúc sau, vợ của Lâm Đăng Chương vội vã quay lại, vừa đi vừa tìm kiếm khắp nơi. Từ Lương Tứ nhìn thấy, vội lết đến hỏi rõ sự tình, xác thực được đây quả là người mất tiền, bèn trả lại toàn bộ số bạc cho cô.
Quan huyện phụ trách vụ án biết chuyện tán gia bại sản, lại biết chuyện người ăn mày tàn tật không tham lam, thì vô cùng cảm động. Ông xem xét cẩn thận trường hợp của Lâm Đăng Chương, phát hiện ra bị oan, bèn trả lại toàn bộ số bạc, phóng thích Lâm Đăng Chương. Sau khi trở về nhà, Lâm Đăng Chương đã sử dụng số bạc này để mở một cửa hàng ngũ kim mưu sinh, rồi chuộc lại con trai mình. Hai vợ chồng hàng ngày đều cầu nguyện cho vị ân nhân nọ.
Lại nói đến Từ Lương Tứ, sau ngày hôm đó, anh ta trở về miếu Thái Công ngủ qua đêm. Trong đêm, Từ Lương Tứ mơ thấy hai vị thần mặc áo giáp vàng đến bên mình. Không nói một lời nào, một người ôm lấy cơ thể, một người ôm lấy chân anh ta và kéo mạnh về hai phía. Từ Lương Tứ đau tới mức mồ hôi chảy ròng ròng, kêu lên thất thanh. Sáng hôm sau, Từ Lương Tứ kinh ngạc khi phát hiện ra hai chân đã có thể duỗi thẳng và đi lại bình thường! Kể từ đó, Từ Lương Tứ không phải đi xin ăn nữa, mà gánh nước thuê và làm những việc vặt cho người ta để mưu sinh. Mặc dù vất vả hơn nhưng anh ta cảm thấy rất may mắn.
Vợ chồng Lâm Đăng Chương mở cửa hàng trong ba năm, kinh doanh phát đạt. Một hôm Từ Lương Tứ tình cờ gánh nước ngang qua trước cửa hàng ngũ kim của nhà họ Lâm. Vợ của Lâm Đăng Chương hàng ngày tưởng nhớ thắp hương, bỗng thấy người này tướng mạo rất giống với ân nhân, chỉ khác là người này đi lại bình thường, nên nhất thời không dám nhận. Nhưng đột nhiên trong tâm dâng lên một cảm xúc không cam lòng, dứt khoát chạy tới bắt chuyện. Nói chuyện xong cô vui mừng khôn xiết, gọi chồng tới, Từ Lương Tứ chưa kịp từ chối, hai người đã khấu đầu tạ ơn. Hai vợ chồng nghe nói Từ Lương Tứ làm thuê kiếm sống, bèn thành tâm thành ý giữ anh ta ở lại cửa hàng. Kể từ đó, Từ Lương Tứ sống ổn định hơn, không còn phải làm việc nặng nhọc nữa.
Sau này, vợ chồng Lâm Đăng Chương trở về Quảng Đông, thừa kế gia sản của người chú ruột, nên tặng lại toàn bộ cửa hàng ngũ kim, cùng những tài sản khác ở Đài Loan cho Từ Lương Tứ. Trong những năm cuối đời, Từ Lương Tứ trở thành một phú ông ở địa phương. Ông ta đã dành phần lớn gia sản của mình cho một nhà thuốc, mong có thể cứu giúp nhiều bệnh nhân nghèo không có tiền chữa trị.
Từ Lương Tứ vì hiểu đại nghĩa, sinh thiện niệm, mà cuối cùng từ ăn mày đắc phúc báo thành phú ông. Nói về chuyện tham tài gặp ác báo, cũng có một câu chuyện đối lập khá nổi tiếng, được lưu truyền như thế này.
Vào những năm Khang Hy thời nhà Thanh, có một thư sinh tên là Phạm Hiểu Kiệt. Cha của Phạm Hiểu Kiệt làm trợ giảng tại Quốc Tử Giám. Anh ta theo cha đến Bắc Kinh và đã học ở Quốc Tử Giám nhiều năm. Một hôm tình cờ đi ngang qua phố Diên Thọ Tự ở Bắc Kinh thì anh ta bước vào một hiệu sách. Lúc đó có một cậu bé mua cuốn “Lã Thị Xuân Thu” đứng trước quầy, lúc lấy tiền ra trả thì tình cờ làm rơi một đồng xu xuống cạnh chân Phạm Hiểu Kiệt. Không ngờ Phạm Hiểu Kiệt đảo mắt nhìn xung quanh, rồi dùng chân phải dẫm lên đồng xu nọ.
Khi cậu bé đi rồi, Phạm Hiểu Kiệt bèn cúi xuống nhặt đồng xu. Anh ta không ngờ rằng một ông già lớn tuổi ngồi ở cửa hàng đã nhìn thấy. Ông ta nhìn chằm chặp vào Phạm Hiểu Kiệt hồi lâu, rồi đứng dậy bắt chuyện hỏi thăm chuyện nhà cửa gốc gác. Sau đó ông lão rời đi.
Sau này, Phạm Hiểu Kiệt vào Kí sự viện làm việc với tư cách là quan giám sát. Anh ta vượt qua kỳ thi và được bổ nhiệm nhậm chức tại huyện Thường Thục, Giang Tô. Phạm Hiểu Kiệt đến Nam Kinh, trước tiên tới phủ Giang Ninh báo danh, và xin được yết kiến thượng cấp của mình.
Lúc đó Thang Bân, Tuần phủ Giang Tô đang ở nha phủ Giang Ninh. Danh thiếp của Phạm Hiểu Kiệt đưa vào thì không ngờ là không được gặp mặt. Phạm Hiểu Kiệt đành phải quay trở về nhà trọ, ngày hôm sau lại đến, nhưng vẫn không được gặp mặt, cứ liên tiếp như vậy suốt 10 ngày liền. Đến ngày thứ 11, Phạm Hiểu Kiệt lại nhẫn nại xin được tiếp kiến một lần nữa thì được truyền lệnh: “Phạm Hiểu Kiệt không cần phải tới huyện Thường Thục nhậm chức nữa, tên của người đã được viết vào tấu chương luận tội, ngươi đã bị cách chức vì tội tham tiền rồi.”
Phạm Hiểu Kiệt bối rối vì bản thân còn chưa nhậm chức, bèn trần tình với người hộ vệ. Người hộ vệ vào trong bẩm báo, rồi bước ra truyền lại lời của Tuần phủ đại nhân: “Phạm Hiểu Kiệt, ngươi không nhớ những gì đã xảy ra trong hiệu sách trên đường Diên Thọ Từ sao? Khi còn là một tú tài, ngươi đã tham lam một đồng xu. Hôm nay ngươi được làm quan địa phương, sau này liệu sẽ không vắt óc nghĩ kế tham ô, trở thành một kẻ cường đạo đội mũ ô sa chứ? Ngươi lập tức bỏ lại quan ấn, rời khỏi đây, đừng khiến bách tính phải chịu khổ.”
Hóa ra ông lão khi xưa chính là Thang Bân, Tuần phủ đại nhân đang âm thầm đi thị sát.
Phạm Hiểu Kiệt vì tham một xu, mà mất đi tiền đồ. Nếu vì mê muội sùng bái kim tiền, gây tổn hại cho tính mệnh người khác, thì báo ứng đâu chỉ đơn giản như vậy. So sánh với Từ Lương Tứ thì đúng là một niệm sai khác đã dẫn tới sự khác biệt trên trời dưới vực.
Hết thảy những việc chúng ta làm hôm nay đều là lựa chọn cho tương lai của mình. Thiện niệm là phù hợp với thiên lý và cũng là lựa chọn sáng suốt nhất của con người vậy.
Theo Secretchina.com
Thiên Cầm biên dịch