Hotline: 0989.989.989    |   Liên hệ        
| 30/10/2020, 12:48 pm |

Tam Khanh nhà Nguyễn: Khi công chúa trở thành thi sĩ


Thời xưa trong hầu hết các triều đại, các danh sĩ chủ yếu là nam, do trong giới bình dân, thông thường chỉ có nam giới mới được học hành đầy đủ. Tuy nhiên trong hoàng gia, không chỉ hoàng tử mà cả các công chúa cũng phải chăm lo học tập. Thời nhà Nguyễn, có những danh sĩ xuất thân là công chúa, nổi bật nhất là nhóm Tam Khanh.



Nhóm Tam Khanh là ba công chúa con của vua Minh Mạng với bà Thục tần Nguyễn Thị Bửu. Sở dĩ gọi là “Tam Khanh” bởi ba chị em công chúa đều lấy tên tự có chữ “Khanh”, cả ba đều giỏi thơ ca và được xem là “tam Khanh triều Nguyễn”.


Tam Khanh thuở nhỏ được sống với anh mình là Tùng Thiện Vương Nguyễn Phúc Miên Thẩm, vốn là nhà thơ nổi tiếng lúc đó, nên cả ba công chúa đã sớm bộc lộ và trau dồi khả năng thơ phú của mình.


Công chúa Nguyệt Đình (tự Trọng Khanh)


Tên thật của bà là Nguyễn Phúc Vĩnh Trinh, sinh năm 1824 và là chị cả trong “Tam Khanh”. Vốn thông minh, ham đọc sách, lại được sự dìu dắt của anh mình, nên Nguyệt Đình sớm bộc lộ khả năng thơ phú.


Năm 1850, bà kết hôn với Phạm Đăng Thuật – em trai của Phạm Thị Hằng (tức bà Từ Dụ, mẹ vua Tự Đức sau này). Do hai vợ chồng đều cùng yêu thích thơ ca nên sống với nhau rất tâm đầu ý hợp, xướng họa tương đắc. Hai vợ chồng có cô con gái Uyển La nhưng không may mất sớm.


Năm 1861, quân Pháp tiến đánh 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ, ông Đăng Thuật được vua cử vào nam, không may hy sinh.


Công chúa Nguyệt Đình không đi bước nữa, dựng từ đường riêng ở trước mộ chồng. Khi mất bà được chôn chung cùng chỗ với chồng.


Bà có để lại tác phẩm “Nguyệt Đình thi thảo”, được Tuy Lý Vương Miên Trinh (nổi tiếng trong “Mạc Vân thi xã”) viết đề tựa khen ngợi. Tuy nhiên tập thơ này của bà đã thất lạc.


Công chúa Mai Am (tự Thúc Khanh)


Bà tên thật là Nguyễn Phúc Trinh Thận, hiệu Diệu Liên, sinh năm 1826 và là người có tài năng nổi bật nhất trong nhóm “Tam Khanh”. Bà lập ra “Thỉnh Nguyệt Đình” nhằm tổ chức đêm thơ quy tụ các danh sĩ thời bấy giờ, bà được biết đến như một danh sĩ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.


Năm 1850, bà kết hôn với hiệu úy Thân Trọng Di. Hai vợ chồng có con trai nhưng mất lúc còn nhỏ, từ đó bà không sinh thêm được người con nào nữa.


Năm 1885, chồng bà dù 60 tuổi vẫn theo vua Hàm Nghi ra Quảng Trị. Trong một đợt quân Pháp tấn công, quân của Thân Trọng Di bị đánh tan, bản thân ông bị mất tích giữa rừng.


Cái chết của chồng khiến bà đau đớn. Năm 1904 bà mất thọ 79 tuổi.


Tác phẩm chính của bà là “Diệu Liên thi tập” được nhiều danh sĩ khen ngợi. “Diệu Liên thi tập” gồm 370 bài chia làm 3 quyển. Các bài thơ được xếp theo thứ tự thời gian và được xem như nhật kỳ bằng thơ.


Bà không làm thơ chữ Nôm hay Quốc ngữ mà chỉ làm bằng chữ Hán. Các bài tiêu biểu như “Ngó hoa sen” viết năm 1885 khi bà 30 tuổi. Bản dịch:


Ai ơi chớ bẻ ngó sen hương
Vô số tơ mành cứ vấn vương
Mềm mại khác chi the mới dệt
Mảnh mai như thể kén vừa giương
Dăng dăng mối kết trong tâm khảm
Cuộn cuộn tình lan cách dặm trường
Ví thử xe tơ thành sợi chỉ
Xin người thêu lấy cặp uyên ương.


Khi vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương chống Pháp, bà đã làm bài thơ sau:


Xích tử Cần Vương năng địch khái,
Thư sinh dụng võ tích phi tài.
Dân chúng Cần Vương vì ghét địch,
Nhà Nho lâm trận tiếc không tài.

(Bản dịch của Lê Thước)


Công chúa Tĩnh Hòa (tự Quý Khanh)


Bà tên thật là Nguyễn Phúc Tĩnh Hòa, hiệu Huệ Phố, sinh năm 1830. Bà thông minh, sớm thông thạo kinh sử, thơ phú và âm nhạc.


Năm 1853, bà kết hôn với Đặng Huy Cát, nhờ cùng sở thích sáng tác thơ văn nên hai vợ chồng tâm đầu ý hợp. Tuy nhiên bà sinh 4 người con thì 3 người mất sớm, người con còn lại đỗ cử nhân và làm đến Thị độc Nội các.


Tác phẩm duy nhất bà để lại là “Huệ Phố thi tập” gồm 216 bài thơ chữ Hán chia làm 4 quyển. “Huệ Phố thi tập” dù chưa được in nhưng bản chép tay vẫn được con cháu giữ gìn cẩn thận đến tận ngày nay.


Một số bài thơ tiêu biểu của bà (bản dịch):

Giàn đậu sau mưa mây khói lan
Song mai trang điểm dạo cung đàn.
Oanh vàng cũng biết yêu xuân sắc,
Bên khóm hoa tươi cứ hót tràn.

Còn sau đây là bài thơ viết lúc sắp lấy chồng (bản dịch):

Trồng trúc dời mai vui gượng gạo
Biết không nói được lệ khôn khô
Đau lòng trông mảnh trăng sân dọi
Chẳng thấy tròn như những buổi xưa.


Trần Hưng

Dựa theo bài viết “Ba công chúa ‘hồng nhan bạc mệnh’ của triều Nguyễn”

Tác giả Hoàng Phương, đăng trên Kienthuc.net.vn

« Quay lại



© Copyright 2020 Phulongland.com, All right reserved
® Organize Vietnam Media & Trade Event
© Ghi rõ nguồn "Phulongland.com" khi phát hành lại thông tin từ website này.
® Cơ quan chủ quản: Tổ chức Sự kiện Truyền thông & Thương mại Việt Nam