Theo Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, sau khi phát hiện nhiễm SARS-CoV-2, hầu hết các trường hợp không có biểu hiện bệnh, không cần can thiệp hỗ trợ về mặt điều trị.
Theo Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, từ khi phát hiện có dịch đến nay, bệnh viện đã hoàn tất xét nghiệm tầm soát cho toàn bộ nhân viên. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM đã khoanh vùng nguy cơ, lấy mẫu xét nghiệm 107 người là F1 của các ca bệnh tại đây.
Kết quả cho thấy, có 7 trường hợp là thành viên trong gia đình các ca dương tính nhiễm SARS-CoV-2.
Trước khi ổ dịch xuất hiện tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, tất cả nhân viên y tế đã được chích ngừa đủ 2 mũi vắc xin. Sau khi phát hiện nhiễm bệnh, hầu hết các trường hợp trên không có biểu hiện bệnh, không cần can thiệp hỗ trợ về mặt điều trị.
Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TPHCM, thực tế này cho
thấy tính hiệu quả của vắc xin đã phát huy, giúp bảo vệ cơ thể tránh
được nguy cơ phát bệnh hoặc diễn tiến nặng.
Tính đến sáng 14/6, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới ghi nhận 55 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, tất cả đều là nhân viên y tế thuộc 13 khoa phòng, bộ phận.
Theo nhận định ban đầu, đây là ổ dịch lây nhiễm trong nhân viên bệnh
viện, chủ yếu thuộc phòng: Công nghệ thông tin; Chỉ đạo tuyến; Hành
chính quản trị; Kế hoạch tổng hợp; Tổ chức Cán bộ; Dược.
Lý giải nguyên nhân những người đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 rồi vẫn có thể nhiễm virus SARS-CoV-2, PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam phân tích: vắc xin phòng Covid-19 là loại vắc xin mới, được cấp phép theo điều kiện khẩn cấp nên chúng ta chưa biết chắc chắn rằng việc tiêm vắc xin có làm giảm được khả năng nhiễm bệnh và lây truyền bệnh hay không.
Tuy nhiên, việc tiêm vắc xin sẽ giúp giảm triệu chứng nặng và giảm nguy cơ tử vong.
Viết bài: Vân Sơn
Nguồn: Dân Trí