Các chuyên gia tài chính nhận định nhiều doanh nghiệp đang bóp méo mục đích của việc phát hành cổ phiếu ESOP cho người lao động, dẫn đến phản ứng của nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Một số công ty chứng khoán đang huy động tiền gửi dưới nhiều hình thức Hợp
tác đầu tư, tiết kiệm tiền gửi... là những sản phẩm vừa được một số
công ty chứng khoán áp dụng, nhưng bản chất đều là huy động vốn từ nhà
đầu tư cá nhân.
Chương trình phát hành cổ phiếu cho người lao động
(ESOP) với giá mua thấp hơn nhiều so với giá trị thị trường ngày càng
được nhiều doanh nghiệp đại chúng lựa chọn. Tuy nhiên, ESOP cũng là một
vấn đề thường xuyên được nhà đầu tư chất vấn lãnh đạo doanh nghiệp tại
các kỳ đại hội cổ đông.
Gần đây, Đất Xanh thông báo phát hành 7 triệu cổ phiếu ESOP giá 0 đồng nhưng nhận phản ứng tiêu cực từ thị trường. Sau đó, công ty này phải điều chỉnh giá mua ESOP thành 10.000 đồng. Hay công ty bất động sản DIC Corp (mã cổ phiếu DIG) thông báo phát hành 15 triệu cổ phiếu ESOP giá 15.000 đồng nhưng 4 thành viên trong hội đồng quản trị (HĐQT) được quyền mua tới hơn 90% lượng cổ phiếu ưu đãi này.
Lý do cổ đông nhỏ khó chịu
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Môi giới Công ty Chứng khoán Mirae Asset, chia sẻ phương án phát hành ESOP thường đi kèm điều kiện hạn chế chuyển nhượng trong nhiều năm để giữ chân nhân sự. Nếu nhân viên nghỉ việc trong thời gian này, công ty sẽ mua lại ESOP với giá bằng giá phát hành.
Do đó, muốn thật sự nhận được khoản tiền thưởng bằng việc bán cổ phiếu ESOP, nhân viên phải cam kết gắn bó lâu dài với công ty.
Phương án này cũng giúp người lao động tránh một phần thuế. Vì khác
với tiền thưởng, sở hữu cổ phiếu không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Nhân viên chỉ bị đánh thuế khi bán cổ phiếu.
Tuy nhiên, việc doanh nghiệp phát hành thêm cổ phiếu với giá rẻ cho nhân viên sẽ dẫn tới hiện tượng pha loãng giá, gây hại cho nhà đầu tư nhỏ lẻ. Kèm theo đó là hiệu ứng tăng cung cổ phiếu khiến giá có xu hướng sụt giảm sau thông tin ESOP.
Ông Huỳnh Minh Tuấn nêu nhiều lý do khiến cổ đông nhỏ lẻ thường phản
ứng trước các kế hoạch ESOP. Tại nhiều doanh nghiệp Việt, ban lãnh đạo,
nhóm đối tượng nhận ESOP nhiều nhất cũng đồng thời là cổ đông lớn của
doanh nghiệp.
"Lúc này, ESOP trở thành phương án ném tiền từ túi này sang túi khác,
nhưng tránh được thuế và móc túi cổ đông nhỏ lẻ qua việc phát hành giá
rẻ", chuyên gia chứng khoán này phân tích.
Ông Tuấn cũng đánh giá cơ chế phát hành ESOP của nhiều doanh nghiệp không minh bạch, đa phần là ủy quyền cho HĐQT. Kết quả là nhiều doanh nghiệp chỉ phát hành ESOP tập trung cho lãnh đạo và không có thời gian hạn chế chuyển nhượng. Cổ đông nhỏ khó có thể tác động quyết định vì chỉ chiếm tỷ lệ biểu quyết thấp.
"Đây là tình huống gây khó chịu nhất cho cổ đông nhỏ vì ngay lập tức
có một lượng cổ phiếu từ trên trời rơi xuống sẵn sàng chốt lời trên đầu
mình, thẳng tay móc túi mình", ông Tuấn nói.
Chuyên gia này nhận định kể cả trong trường hợp phương án ESOP phát huy vai trò giữ chân nhân tài với quy mô nhân sự được thưởng cổ phiếu đủ lớn và thời gian hạn chế chuyển nhượng dài vẫn có thể làm cổ đông khó chịu. Vì không phải nhà đầu tư nhỏ lẻ nào cũng đủ kiên nhẫn theo đuổi giá trị dài hạn của doanh nghiệp. Trong khi họ khó chấp nhận những hiệu ứng tiêu cực ngắn hạn của ESOP.
"Lợi ích dài hạn là khái niệm vô chừng"
Theo Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn (Đại
học Bristol, Anh) nhận định ESOP luôn là một chủ đề nhạy cảm và gây
tranh cãi ngay cả ở nước ngoài. Về mặt tốt, ESOP là cách để doanh nghiệp
thưởng xứng đáng cho đội ngũ nhân sự để giữ chân họ, đặc biệt với những
công ty nơi nguồn nhân lực giữ vai trò chủ chốt như trong các lĩnh vực
công nghệ, khởi nghiệp.
"Nếu nguồn nhân lực được nuôi dưỡng tốt, cổ đông có thể chấp nhận đánh đổi lợi ích trước mắt để lấy tăng trưởng dài hạn. Tuy nhiên, lợi ích dài hạn là một khái niệm vô chừng và phụ thuộc hoàn toàn vào cách thiết kế ESOP", Tiến sĩ Tuấn nêu quan điểm.
Ông chia sẻ nếu những khoản thưởng cổ phiếu ESOP chỉ tập trung trong tay một số lãnh đạo doanh nghiệp, nhà đầu tư đương nhiên sẽ đặt dấu hỏi về mục đích của ESOP để giữ chân nhân tài hay là cách lãnh đạo, cổ đông lớn "rút ruột" công ty, gây tổn hại cho cổ đông nhỏ.
"Người ta có thể mượn chiêu bài công ty cổ phần không chỉ phục vụ mục tiêu cao nhất là mang lại giá trị cho cổ đông mà còn phải phục vụ khách hàng, nhân viên, xã hội, môi trường để bóp méo thành công ty chuyên phục vụ lợi ích ban lãnh đạo công ty. Đây là điều đã diễn ra ở nước ngoài và đang được cảnh báo", Tiến sĩ Tuấn cho hay.
Theo ông, ở nhiều nước, ESOP là phương án rất phổ biến, đặc biệt với
các công ty công nghệ. Vấn đề kế toán của ESOP và tác động của nó đến
giá trị doanh nghiệp là chủ đề nóng. Các doanh nghiệp quốc tế cũng đang
nâng dần tính minh bạch và các tiêu chí để phát hành ESOP. Một giải pháp
cụ thể là thành lập ủy ban lương thưởng có cổ đông độc lập thật sự và
đại diện của người lao động.
"Cách này giúp lập ra các tiêu chí công việc (KPI) hợp lý cho lãnh đạo cũng như cấu trúc lương thưởng hợp lý. Nhờ đó, tránh được hiện tượng lãnh đạo công ty tự quyết việc trả lương và thưởng cho mình vô tội vạ, rút ruột công ty làm giàu cho mình", TS Tuấn phân tích.
Viết bài: Việt Đức
Nguồn: Dân Trí