Do vậy phải sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, “để dành đất cho thế hệ sau”. “Xã hội hóa, tư nhân hóa cái gì nhưng cái gì nhà nước cần quản lý để mãi mãi đời sau thì chúng ta phải giữ”, ông nói.
“Vừa qua, người giàu lên nhờ đất rất nhiều, tù tội vì đất cũng rất nhiều, kỷ luật Đảng cũng rất nhiều. Cho nên, yêu cầu đặt ra là chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai với các cấp, ngành”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước cho biết, ông tán thành với nhiều vấn đề của quy hoạch
sử dụng đất mà Chính phủ trình như giữ lại quy hoạch đất lúa 3,5 triệu
ha. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, cần phải tạo ra không gian chính sách
để sử dụng linh hoạt diện tích đất này.
“Anh làm cây ăn quả cam, quýt, một số trái cây không làm ô nhiễm đất, nhưng sau cần sản xuất lúa thì quay trở lại sản xuất lúa. Hướng trình của Chính phủ là như thế”, Chủ tịch nước nói.
"Ngoài chống tham nhũng, tiêu cực trong đất đai ra thì vấn đề cải cách hành chính rất quan trọng, công khai hóa rất quan trọng. Thủ tục trong đất đai còn phiền hà, phức tạp"
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc
Một vấn đề khác Chủ tịch nước cũng bày tỏ “đồng tình” với báo cáo là mục tiêu có 15 triệu ha đất trồng rừng để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Ông cũng đánh giá cao việc Chính phủ dành thêm 120.000 ha (đến năm 2030) cho phát triển khu công nghiệp.
“Đây là hướng đi cần thiết. Đất kém hiệu quả, vùng đồi, vùng không trồng lúa 2 vụ trở lên được thì chúng ta nên quy hoạch để làm công nghiệp, dịch vụ”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Chủ tịch nước cho rằng, có 2 vấn đề cần lưu ý là cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ trong quản lý đất đai.
“Ngoài chống tham nhũng, tiêu cực trong đất đai ra thì vấn đề cải cách hành chính rất quan trọng, công khai hóa rất quan trọng. Thủ tục trong đất đai còn phiền hà, phức tạp”, ông nhấn mạnh; đồng thời cho rằng, việc ứng dụng công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai phải rõ hơn.
Trong khi đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) cho rằng việc lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất rất quan trọng, song việc làm này còn hình thức, kém hiệu quả. Ông Cường đề nghị đánh giá, tìm ra giải pháp, làm sao để việc lấy ý kiến nhân dân phải hiệu quả, thực chất, tránh hình thức.
Đại biểu đoàn Quảng Bình cũng đánh giá, quy hoạch sử dụng đất thời gian qua còn nhiều bất cập, không chỉ chậm, mà chất lượng quy hoạch cũng không cao, lại điều chỉnh nhiều lần, đặc biệt tình trạng “quy hoạch treo” gây lãng phí rất nghiêm trọng. “Lần quy hoạch này có khắc phục được bất cập, hạn chế thời gian qua không?”, ông Cường nêu vấn đề.
Lưu ý công tác quy hoạch phải dựa vào luật Quy hoạch và luật Đất đai, đại biểu Cường cũng đề nghị làm rõ hơn đến chỉ tiêu đất trồng lúa trong quy hoạch. “Diện tích đất trồng lúa đáp ứng yêu cầu, bảo đảm an ninh quốc phòng, nhưng diện tích cũng chỉ là một vấn đề, điều quan trọng là vị trí nằm ở đâu, nếu không thuận lợi cho trồng lúa sẽ bất cập. Đất lúa tăng chỗ nào, giảm ở đâu, phải hết sức tính toán”, ông Cường ví dụ vựa lúa ở đồng bằng sông Cửu long, hay đồng bằng sông Hồng phải giữ.
Ngày 29.10, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà thay mặt Chính phủ trình
tờ trình quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn
2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).
Thẩm tra tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá
bên cạnh kết quả đạt được, nhiều tồn tại, yếu kém, bức xúc trong việc
thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từ 2011 - 2020 chưa được báo
cáo của Chính phủ đề cập.
“Vấn đề chất lượng quy hoạch, việc điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, có những trường hợp điều chỉnh còn tùy tiện, theo lợi ích của nhà đầu tư; một số tỉnh, thành phố chậm trễ trong việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020)”, ông Thanh dẫn chứng và đề nghị Chính phủ phân tích rõ hơn nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm.
Viết bài: #LêHiệp ⭐️ lehiepthanhnien@gmail.com
Nguồn: #BáoThanhniên
Cập nhật: #VinhTiên