Nhà ngoại nằm ở ngôi làng yên bình thuộc huyện Phú Vang,
Thừa Thiên Huế. Đó là căn nhà đã trải qua nhiều thế hệ, trông có phần bề
thế và trang nghiêm giữa khu vườn rộng hơn 1.000m2.
Trong tâm thức của tôi, nhà ngoại không chỉ đơn thuần là "nhà ông bà ngoại", mà còn là "quê hương" - nơi những người con xa xứ trở về.
Cũng như nhiều ngôi nhà ở làng quê xứ Huế, nhà được thiết kế theo phong cách nhà rường cổ xưa. Mang đậm chất cố đô, lối kiến trúc này luôn đem đến cho tôi cảm giác sống thư thái và an yên.
Kết
cấu nhà nhiều cột kèo gỗ được kết nối liên hoàn với nhau, tạo bộ khung
xương sống vững chắc. Phần mái thấp và dốc phù hợp đặc trưng thời tiết
mưa kéo dài âm ỉ. Bên trên lợp hai lớp ngói để giữ nhiệt vào mùa đông, thông thoáng, mát mẻ vào mùa hè.
Nhà
chia thành 3 phần: gian chính ở giữa là nơi thờ cúng ông bà, tổ tiên;
gian phía Đông là nơi ngủ nghỉ của cánh đàn ông; gian phía Tây là nơi
sinh hoạt của phụ nữ và trẻ con.
Mặc dù tới thời chúng tôi, việc phân chia mang tính lễ giáo phong kiến đã không còn nặng nề, nhưng những lễ nghi, phép tắc gia đình vẫn được duy trì chuẩn mực.
Tôi yêu lắm mái ngói cổ kính...
Khoảng sân rộng rãi và yên bình để đám cháu nhỏ được thoải mái chơi đùa
Trong vườn không thể thiếu hoa sứ - loài hoa đặc trưng của đất cố đô
Lúc sinh thời, ngoại tôi là người phụ nữ thông thái, được
người đời nể trọng. Căn nhà ba gian luôn tấp nập người vào ra, khi thì
người đến mua hàng, lúc thì người làng đến phụ việc trong vườn, cũng có
khi là người đến thăm, chuyện trò cùng ngoại.
Mỗi lần lễ
Tết, đám con trẻ chúng tôi được dịp tụ họp, quây quần bên nhau sau thời
gian dài không gặp mặt. Ngoại thường hay nhắc lại câu chuyện về ngôi
nhà thuở ấy. Rằng làm nhà công phu lắm. Mỗi chiếc cột, kèo gỗ dựng lên đều chứa đựng thật nhiều tâm sức và sự tỉ mỉ của người thợ.
Không rõ phải mất bao nhiêu lâu, chỉ biết khi ngôi nhà được hoàn thiện cũng là lúc cậu bé theo chân bác thợ cả học việc ngày ấy ra dáng người thanh niên trưởng thành.
Ngày ông bà ngoại lần lượt đi xa, tôi cứ ngỡ những cái cây trong vườn cũng biết buồn. Người tới lui thưa dần. Căn nhà chìm sâu trong tĩnh lặng và rồi cứ thế xuống cấp theo thời gian.
Thấm thoát đã hơn 10
năm. Nhà ngoại giờ đây đã khoác lên mình chiếc áo mới. Hiện đại hơn,
nhiều công năng hơn. Song, vẫn còn đó cái "chất Huế" cổ kính đầy hoài
niệm. Bởi lẽ trong rất nhiều phương án tu sửa, chúng tôi đã chọn cách
gìn giữ nếp nhà xưa.
Chỉ xây mới phần bên ngoài, mọi kết cấu bên trong đều được giữ lại nguyên vẹn.
Bên ngoài căn nhà được xây mới hoàn toàn nhưng vẫn “giữ chút gì rất Huế”
Đèn lồng và chùm pháo được treo trước nhà mỗi dịp lễ Tết sum vầy
Và tuy rằng ngoại không còn, các cậu dì tôi nay đều đã có đại gia đình riêng, nhưng vào những ngày đặc biệt, chúng tôi vẫn hẹn nhau cùng về đây sum vầy. Bởi với mỗi người chúng tôi, dù già hay trẻ, dù ở gần hay xa, vẫn luôn có một mái nhà chung, gọi là "nguồn cội".
Cần
nói thêm, tôi không sinh ra và lớn lên ở Huế mà là ở một thành phố cách
đó cả nghìn cây số. Dẫu vậy, cha mẹ tôi luôn hướng về nguồn cội. Và
chính vì điều đó, gia đình chúng tôi thường xuyên đón Tết ở quê nội
ngoại thay vì nơi mình sống.
Nghĩa là, không có những đêm giao thừa tôi chạy theo lũ bạn hàng xóm ra quảng trường xem pháo hoa. Cũng không có những buổi họp lớp, gặp mặt đầu năm cùng bạn bè. Tết của tôi, từ 30 cho đến tận mùng 5, mùng 6, là tập làm quen với những bữa cúng kính, nấu ăn, dọn dẹp.
Vì nhà ngoại là nhà thờ gia
tộc nên các lễ nghi truyền thống vô cùng được coi trọng. Tôi nhớ từ
những ngày đầu tiên của tháng chạp hằng năm, ông tôi đã đem tất thảy lư
đồng trong nhà ra đánh bóng.
Vườn cây được phát quang, mọi ngóc ngách trong nhà đều được lau chùi sạch sẽ. Bà ngoại tôi đã bắt đầu chẻ lạt để chuẩn bị dần cho việc gói bánh chưng, bánh tày. Và dì tôi đã tất bật lên kế hoạch cho việc mua sắm, chuẩn bị các mâm cúng ngày Tết.
Ngày Tết ở nhà ngoại là sự đoàn viên đúng nghĩa.
Ngôi nhà nằm giữa vườn cây xanh mát
Viết bài: #QuỳnhChiNguyễn
Nguồn: #Tuổitrẻonline
Cập nhật: #VinhTiên