Cảnh giới Ta bà là cảnh giới đau khổ, đức Phật cũng vì sự
đau khổ chung của chúng sanh mà xuất thế. Ngài đã dạy rõ ba khổ và tám khổ để
chúng sanh tìm hiểu và tu tập. Vì thế, chúng ta cần phải nhận chân thân này là
giả hợp, vô thường, vô ngã để tu tập với mong cầu quả vị giải thoát.
Sự khổ của thế gian theo lời đức Phật dạy thì có ba và tám loại trên hai lãnh vực tinh thần và thể xác:
Ba khổ là: Khổ khổ, hoại khổ và hành khổ.
1. Khổ khổ: Khổ khổ là sự khổ chồng chất, nối tiếp nhau không bao giờ dứt.
2. Hoại khổ: Là vì sự vô thường sanh diệt, hư hoại. Hoại khổ chính là sự thay đổi đột ngột của các pháp làm con người đau khổ.
3. Hành khổ: Do sự biến đổi vi tế của các pháp, duyên sanh vô thường trong từng sát na, khiến chúng sanh không bao giờ yên ổn về vật chất lẫn tinh thần, đó là hành khổ.
Tám khổ là: sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, ái biệt ly khổ, oán tắng hội khổ, cầu bất đắc khổ, ngũ ấm xí thạnh khổ.
1. Sanh khổ: Là khổ trong khi sanh và khổ trong đời sống
hàng ngày của mình. Từ khi tượng hình thai nhi cho đến khi chào đời là một quá
trình đau khổ. Chín tháng ở trong lòng mẹ của thai nhi là cả một thời gian dài
chịu cảnh tối tăm và bức bối. Từ thức ăn cho đến những biến chuyển tâm lý, vật
lý của người mẹ đều ảnh hưởng đến thai nhi.
2. Già khổ: Già là quá trình lão hóa, hư hoại như răng rụng, da nhăn, các căn biến hoại. Tuổi già cướp đi sức khỏe, sự ăn ngủ và ý chí của tuổi trẻ. Thân thể lúc về già thì lắm bệnh và cái chết sắp đến gần.
3. Bệnh khổ: Khổ vì bệnh là chuyện đương nhiên mà ai cũng thấy được, trong cuộc đời, ai cũng không ít thì nhiều đã có dịp nếm trải đau khổ của bệnh tật. Chúng ta thử đi vào các bệnh viện sẽ thấy sự thống khổ của con người khi bị bệnh.
4. Chết khổ: sống chết là quy luật chung cho cả con người lẫn sự vật. Trong bốn hiện tượng sanh, già, bệnh, chết thì chết là điều làm con người kinh hãi nhất. Khi hấp hối, thân thể thì tê liệt, tinh thần thì sợ hãi, bàng hoàng về một thế giới xa lạ, không biết mình sẽ ra sao giữa bầu trời bao la và chẳng biết đi về đâu nên đau khổ vô cùng và hơn hết là nỗi lo sợ phải vĩnh biệt người thân.
5. Ái biệt ly khổ: Chúng ta thử tưởng tượng một gia đình sum họp nhưng do một nguyên nhân nào đó làm mỗi người mỗi ngã thì quả thật đau khổ.
6. Cầu bất đắc khổ: Cầu không được cũng khổ, hy vọng càng nhiều thì thất vọng càng lắm. Người đời thường mong cầu có bạn tốt, có vợ đẹp con ngoan, có nhà cao cửa rộng, có quyền cao chức trọng... Mong ước những điều mà không thành tựu được nên sanh ra đau khổ, thất vọng.
7. Oán tắng hội khổ: Đây là khổ đau do oán thù gặp gỡ. Người đời thường nói: thấy mặt kẻ thù như kim đâm vào mắt, sống với người thù nghịch như nếm mật, nằm gai.