Kinh tám điều giác ngộ của hàng Bồ Tát
Là người đệ tử Phật, ngày đêm nên chí thành, nhớ nghĩ và tư duy, về tám điều giác ngộ của các bậc Bồ Tát.
Điều giác ngộ thứ nhất: Thế gian vốn
vô thường, cõi nước rất mong manh, bốn đại lại khổ không, năm ấm là vô
ngã, luôn sinh diệt biến đổi, giả dối không có chủ, tâm là nguồn việc
ác, thân là rừng nghiệp tội, nếu quán sát như thế, dần hồi lìa tử sinh.
Điều giác ngộ thứ hai: Tham muốn nhiều
là khổ, bao sinh tử nhọc nhằn, đều từ tham dục khởi, nếu ít muốn biết
đủ, thân tâm được an lành.
Điều giác ngộ thứ ba: Tâm nếu không
thỏa mãn, chỉ lo việc tham cầu, sẽ tăng thêm tội ác, Bồ Tát hay quán
xét, thường muốn ít biết đủ, vui cảnh nghèo giữ đạo, lấy trí tuệ làm
đầu.
Điều giác ngộ thứ tư: Lười biếng phải
sa đọa, nên thường hành tinh tấn, để phá trừ phiền não, nhiếp phục bốn
chúng ma, xa lìa chốn tối tăm.
Điều giác ngộ thứ năm: Ngu si phải
sinh tử, Bồ Tát thường nên nhớ, luôn học rộng nghe nhiều, để tăng trưởng
trí tuệ, nhằm thành tựu biện tài, rồi đem niềm vui lớn, giáo hóa cho
mọi người.
Điều giác ngộ thứ sáu: Nghèo khổ hay
oán giận, thường gieo nhiều tội lỗi, Bồ Tát luôn san sẻ, bình đẳng với
mọi người, không nhớ đến quá khứ, không ghét bỏ một ai.
Điều giác ngộ thứ bảy: Tham muốn rất
tai hại, tuy thân ở thế gian, nhưng không nhiễm dục lạc, thường nhớ nghĩ
ba y, bình bát và pháp khí, chí nguyện người tu hành, luôn giữ đạo
trong sạch, thực hiện hạnh thanh tịnh, từ bi với muôn loài.
Điều giác ngộ thứ tám: Sinh tử luôn
thiêu đốt, khổ não vô cùng tận, nên phát tâm Bồ đề, tu hành cầu giải
thoát, độ hết thảy muôn loài, nguyện thay thế chúng sinh, gánh chịu
nhiều đau khổ, khiến cho muôn loài vật, đều bình an hạnh phúc.
Tám điều nói trên đây, Chư Phật và Bồ
Tát, đã tự mình giác ngộ, nhờ tinh tấn hành trì, tu từ bi trí tuệ, nương
theo thuyền Bát Nhã, mau đến bờ giải thoát, rồi giáo hóa thế gian, độ
tất cả chúng sinh, đem tám điều giác ngộ, chỉ dạy cho mọi người, biết
được sinh tử khổ, xa lìa năm dục lạc, tu theo Bát Chính Đạo. Này bốn
chúng đệ tử, tư duy tám điều này, sẽ dễ dàng tỉnh giác, diệt được vô
lượng tội, thẳng tiến quả Bồ đề, mau thành tựu Phật pháp, xa lìa đường
sinh tử, thường an nhiên thanh nhàn.
Bản kinh tuy rất ngắn, chỉ có tám điều
mà mỗi điều là một bài kệ có từ 5 đến 10 câu, mỗi câu 5 chữ, nhưng đây
là một bản kinh tuyệt tác mang chất liệu của từ bi hỷ xả và tuệ giác Như
Lai mà hàng xuất gia và cư sĩ tại gia có thể ứng dụng hành trì theo
tinh thần nhập thế.
Chúng ta quay lại văn kinh: Điều giác
ngộ thứ ba: Tâm nếu không thỏa mãn, chỉ lo việc tham cầu, sẽ tăng thêm
tội ác, Bồ Tát hay quán xét, thường muốn ít biết đủ, vui cảnh nghèo giữ
đạo, lấy trí tuệ làm đầu.
Câu chót trong điều thứ ba này là
người tu phải lấy trí tuệ làm sự nghiệp, chúng ta chỉ lấy việc đạt đến
tuệ giác làm sự nghiệp đích thực của đời mình. Là người Việt Nam, ai
cũng có thể biết đến một trong những câu ca dao tục ngữ như: “Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”, hay “Dốt đến đâu, học lâu cũng biết”. Những
câu ca dao tục ngữ trên đều nói đến sự chuyên cần học tập, tức là việc
học hỏi kiến thức để nâng cao trình độ hiểu biết và trau dồi trí tuệ để
nên người, thành người tốt trong hiện tại và mai sau.
Vậy việc học bắt đầu từ đâu, trước tiên là phải học ăn, học nói, học gói, học mở ngay từ khi còn tấm bé. Người xưa thường nói: “Còn đôi bàn tay và khối óc, thì lo gì không lập lại được sự nghiệp”.
Thế cho nên không phải tự nhiên mà nhà bác học nổi tiếng Albert
Einstein (1879-1955), người đoạt giải thưởng Nobel Vật lý (năm 1921) về
lý thuyết tương đối, đã phát biểu: “…Nếu có một tôn giáo nào đáp ứng được các nhu cầu của khoa học hiện đại thì tôn giáo đó chính là Phật giáo”.
Về mặt nội dung giáo dục, Phật giáo là
một nền giáo dục rộng lớn đầy trí tuệ, đạo đức từ bi nhằm giáo dục mọi
chúng sinh những hiểu biết, nhận thức đúng đắn và đầy đủ các quy luật về
vũ trụ và nhân sinh.
Thích Đạt Ma Phổ Giác