Chùa Vạn Đức Bến Tre nơi hồi sinh những mảnh đời côi cút!
Hành trình về với Bến Tre – mảnh đất trù phú màu mỡ được mệnh danh là xứ Dừa. Ngay từ Cầu Rạch Miễu, chúng tôi đã được tận hưởng làn gió thanh mát của đồng bằng miền tây.
Trước mắt chúng tôi là những con sông no đầy nước đậm màu phù sa trải dài bất tận.
Nơi chúng tôi sẽ ghé thăm là một địa danh thuộc địa phận ấp II xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại. Toàn xã nằm vỏn vẹn trên 1 khu đất lớn giữa sông, mà người dân quen gọi bằng cái tên trìu mến: Cù lao.
Phà Tam Hiệp Tỉnh Bến Tre
Vị thế của cù lao này biệt lập bởi hai dòng sông lớn là Cửa Tiểu và Cửa Đại, làm cho nơi đây như một “ốc đảo” thu nhỏ. Từ ngày khai thôn lập ấp, người dân phải “ bán lưng cho trời, bán mặt cho đất”, chỉ lo cái nghèo cái đói, bệnh tật, chứ chưa nói đến việc được tiếp cận với ánh sáng Phật Pháp.
Địa danh chúng tôi muốn nói đến đó là chùa Vạn Đức - một nơi rất dồi dào tình yêu thương không kém gì hương sắc phù sa của cù lao được bồi đắp bởi những dòng sông nơi đây.
Men theo đường mòn bê tông trải dài chúng tôi thấy được mái lá nhấp nhô của ngôi chùa Vạn Đức xen lẫn tiếng chuông thỉnh kinh, nơi đang cưu mang hơn 40 hoàn cảnh trẻ em bị bỏ rơi, những em ở độ sơ sinh cho đến những em ở tuổi vị thành niên. Sẽ không khỏi nghẹn lòng khi chúng ta nghe những câu chuyện xúc động về cảnh đời và tình người với tấm lòng từ bi đã thổi lửa hồi sinh vào những mảnh đời côi cút nơi đây.Chuyện rằng, khi xưa ngôi chùa này chỉ là một thảo am đơn sơ được tạo dựng bởi vị cư sĩ tên Nguyễn Văn Tròn, pháp danh : Lệ Nghĩa, mong truyền lại giáo pháp cho phật tử và làm từ thiện cho dân chúng nơi quê nghèo vùng sâu xa này. Tuy nhân đã có nhưng dường như duyên chưa đủ. Cho nên chỉ sau khi cư sĩ về cõi Vĩnh Hằng, và nhân duyên đưa Đại Đức Thích Lệ Hiếu về đây, thì chính thức thảo am được Giáo Hội Phật Giáo cho phép xây dựng thành Chùa và lấy tên là Vạn Đức. Tiếp tục gánh vác, lãnh đạo Hoằng Giáo Đạo Pháp cho nhân dân trong địa phương. Nhưng Chùa Vạn Đức ngày ấy chỉ là một căn nhà cấp bốn lợp lá, gió lùa bốn bên tạm bợ, thiếu thốn, khó khăn về mọi thứ .
Là xã nằm ở vị trí biệt lập, thiếu thốn vật chất, điều kiện để phát triển, vô hình chung khi mà cảnh chùa được dựng nên ở cù lao nghèo này như một niềm tin mới, để con người nơi đây vươn lên thoát khỏi cái tâm tối của sự nghèo khó.
Không biết có phải là một nhân duyên, hay do sự sắp đặt của đấng bề trên, mà vào một đêm mưa gió, một đứa trẻ sơ sinh đã bị đem bỏ trước cổng chùa. Vận mệnh mới của Chùa Vạn Đức và Đại Đức Thích Lệ Hiếu bắt đầu.
Nói là vận mệnh hay nhân duyên của Chùa và Đại Đức cũng không sai chút nào. Vì cũng từ khi bé Tiểu Như Tín được cưu mang trong đêm mưa gió năm nào mà cho đến nay ở chùa có tất thảy hơn 40 em nhỏ được Đại đức chăm sóc, nuôi dậy. Những khó khăn lại chất chồng khó khăn dưới mái chùa nghèo này. Dù Đại Đức Lệ Hiếu có dành hết tình thương để bù lại những thiếu thốn về tinh thần, thì thực tế, cũng không thể nào là đủ cho cả 40 em nhỏ.
Vận mệnh mới của Chùa Vạn Đức và Đại Đức
Thích Lệ Hiếu bắt đầu.
Điều đáng lo ngại hơn cả đó chính là điều kiện về vật chất, cơ sở hạ tầng để các em sinh hoạt, học tập. Bên cạnh đó vấn đề về chăm sóc sức khỏe, thuốc men, quần áo, lương thực, luôn là những trăn trở đối với Đại Đức Thích Lệ Hiếu hay các em vẫn thường kính yêu gọi là sư phụ.
Khó khăn lại chất chồng những khó khăn khi mà các em đến từ những nơi khác nhau, không có giấy tờ tuỳ thân. Việc làm giấy khai sinh, xác nhập hộ khẩu lại trở thành vấn đề lớn đối với Thầy Lệ Hiếu. Kéo theo viêc đến trường cũng gặp nhiều trở ngại vì các em không có đủ giấy tờ để được miễn giảm học phí. ....