Cùng với đó, nhận thức của một số người dân về mức độ nguy hiểm của biến thể virus lần này chưa cao, chưa thực hiện nghiêm quy định và khuyến cáo của các cơ quan chức năng về phòng chống dịch.
Vẫn trà đá, dùng chung điếu cày
Ngày 3-2 ghi nhận ở nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt là tại những quận nội thành, các quán trà đá vỉa hè ở nhiều nơi vẫn hoạt động nhộn nhịp, người dân vẫn quây quần trà thuốc mà không đeo khẩu trang.
Tại một quán trà đá trên đường Nguyễn Khang (quận Cầu Giấy), tình trạng người dân tập trung đông người thành nhóm vẫn diễn ra. Đa số người ngồi uống nước tại đây đều ngồi san sát nhau, không đeo khẩu trang, trò chuyện rôm rả. Riêng chủ quán trà đá có đeo khẩu trang nhưng cách đeo khẩu trang mang tính hình thức, để hở cả phần mũi.
Thậm chí, ngay phía ngoài cổng của Trạm y tế phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy), những quán trà đá hình thành từ lâu vẫn tiếp tục hoạt động, thường xuyên đông khách.
Cũng
trên địa bàn quận Cầu Giấy, ghi nhận tại tuyến phố Mai Dịch, hàng loạt
quán trà đá tại đây có rất nhiều người dân tụ tập. Điều đáng nói, các
quán trà đá đều chuẩn bị sẵn điếu cày để khách có nhu cầu hút thuốc lào,
tất cả đều dùng chung một điếu cày, người này hút xong lại nhường người
khác.
Tại một quán trà đá nằm cạnh Trường CĐ Cơ điện Hà Nội (Mai Dịch, Cầu
Giấy), chỉ trong khoảng 10 phút, đã có 4 người dùng chung một chiếc điếu
cày để sử dụng thuốc lào.
Tại chợ Đồng Xa (quận Cầu Giấy), một số tiểu thương không đeo khẩu trang khi bán hàng, mặc dù hằng ngày tiếp xúc với hàng trăm lượt người khác nhau ra vào chợ mua hàng hóa. Nhiều người dân ra vào khu chợ này vẫn chưa đeo khẩu trang theo quy định.
Trên
địa bàn quận Thanh Xuân, ngay ở những chung cư đông dân như khu tái
định cư Trung Hòa - Nhân Chính, các quán trà đá, quán hàng ăn uống,
khách vẫn tấp nập, thậm chí có quán trà nước chuẩn bị tới 2-3 điếu cày
phục vụ khách vãng lai.
Khi được hỏi, một chủ quán trà đá ở khu
tái định cư Trung Hòa - Nhân Chính thản nhiên cho rằng những lần trước
TP cấm hẳn các quán trà đá vỉa hè, nhưng lần này chưa có chỉ đạo cấm nên
khi có khách chỉ nhắc đeo khẩu trang.
Tại các địa điểm này cũng chưa thấy có lực lượng nào nhắc nhở, xử phạt kịp thời.
Lực
lượng thuộc Quân đoàn 3 phun khử khuẩn tại đường Nguyễn Đình Chiểu,
P.Tây Sơn (TP Pleiku) sau khi phát hiện ca dương tính thứ 14 vào ngày
3-2 - Ảnh: Huỳnh Công Đông
Nơi nào dễ lây bệnh?
Ông Trần Văn Tố - bán trà đá trên
đường Vũ Phạm Hàm (quận Cầu Giấy) - nói ông đã chủ động đeo khẩu trang
và không "tám chuyện" như trước với khách.
"Tôi thì chấp hành
nhưng khi khách tới nếu bắt họ phải tuân thủ theo mình rất khó, bởi nếu
gặp phải vị khách khó tính thì to chuyện. Chỉ mong sao tất cả mọi người
đều cảnh giác, có trách nhiệm để sớm dập được dịch" - ông Tố nói.
Cách quán trà đá này không xa, một quán cà phê trên phố Yên Hòa là địa điểm của giới trẻ thường xuyên lui tới.
16h chiều nhưng mọi ghế ngồi ở hành lang đã đông nghẹt người, có khách hàng đeo khẩu trang nhưng dường như chỉ là để "qua mắt" và vẫn ngồi tụ tập trò chuyện rôm rả. Nhân viên quán cà phê này cho biết rất khó nhắc nhở vì đa số là khách quen.
Theo ông Bùi Thế Duy - thứ trưởng Bộ KH-CN, tổ trưởng tổ "truy vết" ca bệnh dương tính, có 2 địa điểm dễ lây lan COVID-19 mà ông phát hiện sau đợt dịch này gồm những địa điểm có môi trường kín như phân xưởng, trên ôtô; tại các sự kiện tập trung đông người (đám cưới, liên hoan tất niên...).
Một trong những lý do dễ
lây lan trong môi trường kín, theo ông Nguyễn Thanh Long - bộ trưởng Bộ Y
tế, là do đường lây truyền đã thay đổi. Trước kia lây chủ yếu qua tiếp
xúc, còn chủng virus mới lây nhiều qua không khí.
"Đã có một xe đưa dâu có 12 người đi thì 11/12 người mắc bệnh. Vì đường lây thay đổi nên hệ số lây truyền cao, 1 F0 có thể lây cho hơn 10 người, vì thế không thể lơ là, chủ quan" - ông Long cho biết.
Cơ quan chức năng đến chung cư 207 Bùi Viện (TP.HCM) để khử khuẩn và đưa
hai vợ chồng có uống chung quán cà phê với bệnh nhân 1883 đi cách ly -
Ảnh: Nhật Thịnh
Chính quyền chưa nghiêm, dân lơ là
Chủ trì cuộc họp của thường trực Thành ủy Hà Nội chiều tối 2-2, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã chỉ rõ có tình trạng một số nơi, cấp ủy, chính quyền triển khai chưa đủ nhanh, chưa đủ quyết liệt, cá biệt có nơi còn chủ quan.
Bí thư Hà Nội cũng nêu rõ tâm lý một bộ phận người dân cũng chủ quan, không thực hiện nghiêm thông điệp 5K (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế) của Bộ Y tế.
Đáng lo hơn khi qua thống kê, đã công bố có trên 86% ca bệnh COVID-19 hiện nay, phần lớn ghi nhận ở ổ dịch TP Chí Linh (Hải Dương), Quảng Ninh không có triệu chứng lâm sàng, còn nguồn lây ở Hà Nội cũng được xác định từ hai địa phương Hải Dương, Quảng Ninh.
Đặc biệt, ngay sáng 3-2, khi ca bệnh số 21 ở Hà Nội được công bố, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, bệnh nhân này đã di chuyển tới nhiều nơi tại Hà Nội từ quán cà phê đến các điểm công cộng. Theo Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng, trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19: "Nguy cơ lây lan nhanh trong cộng đồng là rất rõ".
Ông Dũng dẫn chứng "chỉ cần tiếp xúc, khả năng, tỉ lệ dương tính đã rất cao, khác rất nhiều so với trước đây. Hơn nữa, thời gian từ khi tiếp xúc cho đến khi phát bệnh cũng rất ngắn, nguy cơ lây lan cho cộng đồng nhanh hơn".
Ông Dũng nhấn mạnh thời gian qua TP Hà Nội đã có những yêu cầu ở cấp độ cao hơn trong công tác phòng chống dịch, đã đóng cửa các quán bar, karaoke, vũ trường và yêu cầu các nhà hàng phải thực hiện nghiêm túc việc giãn cách, có vách ngăn giữa các thực khách trong nhà hàng, những yêu cầu này đòi hỏi phải thực hiện nghiêm.
Có thể đón tết an lành?
- Đến ngày 3-2 Hà Nội đã xét nghiệm trên 17.000 mẫu, ghi nhận 21 ca dương tính (gồm 4 người là F0 từ vùng dịch Hải Dương và Quảng Ninh) và 17 người là người tiếp xúc gần với 4 người này. Số mắc như kể trên đang giảm dần đều và Sở Y tế Hà Nội cho biết "dịch đã được kiểm soát".
- Tỉnh Quảng Ninh cho biết tỉnh này có thể kiểm soát ổ dịch tại Vân Đồn vào 28 tết, tại Đông Triều vào 30 tết, tức là trong vòng một tuần tới.
-
Tại Hải Dương, có 9/14 ca bệnh ghi nhận chiều tối 3-2 đang ở khu cách
ly, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Hải Dương là địa phương có
số mắc lớn nhất trong đợt dịch này, chiếm hơn 2/3 số mắc tính từ 27-1,
nhưng có thể thấy ngày nào số bệnh nhân mới cũng giảm.
L.Anh
Gia Lai: chống dịch đã tốt hơn, sẽ lập bệnh viện dã chiến
Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp tại tỉnh Gia Lai, Bộ Y tế cùng đoàn công tác đã đến tỉnh này chỉ đạo công tác dập dịch.
Tiến sĩ Viên Chinh Chiến - viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên - cho biết hiện nay viện phối hợp với địa phương tập trung truy vết F1. Lúc đầu, Gia Lai còn lúng túng trong việc truy vết nhưng đến nay đã tốt hơn. Ca bệnh công bố ngày 3-2 là ca thứ 14 tại tỉnh này.
Ông Võ Ngọc Thành - chủ tịch UBND tỉnh - đề xuất với Bộ Y tế về việc hỗ trợ trang thiết bị và chuyên gia để thiết lập 1 bệnh viện dã chiến với công suất 200 giường, hỗ trợ tỉnh thêm vật tư y tế, máy xét nghiệm PCR và bộ kit xét nghiệm, đào tạo, tập huấn phòng chống dịch.
Tại buổi làm việc với tỉnh Gia Lai, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chia sẻ Gia Lai lần đầu xuất hiện ca bệnh nên công tác tổ chức, triển khai bước đầu còn nhiều lúng túng. "Tỉnh Gia Lai có đồng bào dân tộc thiểu số nhiều nên cần phải quan tâm tuyên truyền phòng chống dịch" - ông Tuyên yêu cầu.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị Gia Lai kích hoạt lại toàn bộ hệ thống phòng chống dịch toàn tỉnh; nhanh chóng lập các tổ phòng chống dịch cộng đồng; các địa phương chưa có dịch cũng phải có phương án sẵn sàng. Bên cạnh đó, thần tốc truy vết các F1, đẩy nhanh xét nghiệm ưu tiên F1, đối tượng có nguy cơ cao.
Hiện tỉnh đã phong tỏa trong diện hẹp và phải đảm bảo 100% người dân trong khu vực phong tỏa đều phải lấy mẫu xét nghiệm, nâng công suất xét nghiệm lên ít nhất 3.000 mẫu/ngày; đảm bảo 100% F1 phải cách ly tập trung. Việc thành lập bệnh viện dã chiến bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể.
H.C.Đông
Bình Dương: người dân cách ly nhận "ATM gạo" miễn phí
Đến chiều 3-2, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã tiếp tục mở rộng phạm vi phong tỏa liên quan các ca bệnh COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng.
Theo
đó, tuyến đường Lê Hồng Phong (đoạn từ quốc lộ 13 đến đường D1 khu dân
cư Phú Hòa 1) là trục đường huyết mạch tại TP Thủ Dầu Một đã bị phong
tỏa từ ngày 3-2. Vì vậy, chỉ tính riêng số lượng người dân bị phong tỏa
tại các khu phố của phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một đã lên tới trên
10.000 người.
Các hoạt động kinh doanh hầu hết bị tạm dừng, ngoại trừ các điểm bán đồ ăn, lương thực...
“ATM gạo” miễn phí được khởi động để tiếp ứng cho người dân - Ảnh: B.S.
Do số lượng người trong khu vực dân cư bị phong tỏa khá lớn nên người thân của họ và lực lượng chức năng, cộng đồng đã có nhiều hoạt động tiếp ứng. Tại điểm phong tỏa trên đường Trần Văn Ơn (gần Trường ĐH Thủ Dầu Một), một "ATM gạo" miễn phí được khởi động để tiếp ứng cho người dân.
Lực lượng chức năng cũng sắp xếp để người nhà của những người cách ly được tiếp tế đồ đạc, với điều kiện phải để đồ tại vị trí hàng rào phong tỏa và không có sự tiếp xúc giữa hai bên. Các hoạt động thiện nguyện của cộng đồng cũng đang được lan tỏa.
Đáng chú ý, đến chiều 3-2, nguồn tin cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương cho biết toàn bộ 531 mẫu xét nghiệm F1 của bệnh nhân 1843 là nữ sinh của Trường ĐH Thủ Dầu Một đã được xác định âm tính.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương và Viện Pasteur TP.HCM, cả bốn ca lây nhiễm trong cộng đồng tại Bình Dương (bệnh nhân 1801, 1843, 1886 và 1887) đều liên quan ổ dịch tại TP Chí Linh (Hải Dương) và cả 4 bệnh nhân đều có liên quan với nhau.bá sơn
Viết bài: N.Thịnh
Nguồn: Tuoitreonline